(VOV5) - Tuy nhiên trước thềm Hội nghị xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các nước thành viên sẽ khó có sự đồng thuận về vấn đề này và có lẽ EU sẽ phải cần thêm thời gian để đàm phán.
Vấn đề người di cư sẽ là chủ đề chính trong Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussel, từ ngày 28-29/6 tới. Tuy nhiên trước thềm Hội nghị xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các nước thành viên sẽ khó có sự đồng thuận về vấn đề này và có lẽ EU sẽ phải cần thêm thời gian để đàm phán.
Cuộc khủng hoảng người nhập cư tưởng chứng đã ít nhiều lắng xuống sau cao điểm vào những năm 2015 - 2016 khi thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, hàng rào biên giới dọc các nước Balkan, cũng như hiệp ước song phương giữa Italy và Libya được thiết lập. Thực tế cho thấy các nước Liên minh Châu Âu hiện không có khủng hoảng về số lượng người di cư nhưng lại rơi vào khủng hoảng về ý thức chính trị. Mấu chốt hiện nay nằm ở sự chia rẽ sâu sắc về việc nước nào sẽ phải đảm nhận trách nhiệm đối với những tàu mới đến, thường xuyên là các nước Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp và tiếp đến là Tây Ban Nha.
Thiếu đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề người di cư
Trong một nỗ lực nhằm thu hẹp bất đồng về vấn đề di cư, lãnh đạo 16 nước trên tổng số 28 nước thành viên EU đã tổ chức cuộc họp khẩn hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh hẹp tại Brussels (Bỉ), ngày 24/6. Cuộc họp do Ủy ban châu Âu triệu tập, thoạt đầu chỉ có 8 nước (Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Áo, Bulgaria, Hy Lạp và Malta) nhưng sau đó có thêm 8 nước khác quan tâm như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển....Tuy nhiên 4 nước thuộc khối Visegrad (4 nước Trung Âu: Ba Lan, Hungary, Cezch, Slovakia) đã từ chối tham gia vì cho rằng các chủ đề đưa ra thảo luận là không chấp nhận được.
Không chỉ thiếu sự tham gia đầy đủ của các nước thành viên, đáng tiếc thay cơ hội hiếm hoi để các bên tìm được tiếng nói chung tại Hội nghị thượng đỉnh hẹp đã bị bỏ lỡ khi không thông qua được tuyên bố chung về vấn đề người di cư. Cho dù lãnh đạo của 16 nước EU có bày tỏ hài lòng về các cuộc trao đổi giữa các bên song rõ ràng Hội nghị thượng đỉnh hẹp, sự kiện nhằm trù bị nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu dự kiến vào ngày 28-29/6 tới, đã thất bại.
Tổng thống Pháp Emmnanuel chỉ trích có một số bên đang lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu tạo ra căng thẳng chính trị. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà mong muốn ký kết nhiều hơn nữa các thỏa thuận song phương với các nước quê hương của những người di cư.
EU vẫn đau đầu với bài toán nhập cư. Ảnh: IHRC. |
Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh hẹp không thu hẹp được bất đồng thì mâu thuẫn giữa các nước thành viên EU lại tiếp tục nảy sinh. Tranh cãi giữa Italy và Malta vẫn tiếp diễn sau khi Malta đã từ chối tiếp nhận tàu cứu hộ MV Lifeline mang cờ Hà Lan chở người di cư. Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli ngày 24/6 cho biết trách nhiệm của Malta là rất lớn trong việc tiếp nhận tàu trên bởi không có nước nào khác tham gia phối hợp thực hiện chiến dịch tìm kiếm cứu hộ này. Đáp lại lời kêu gọi của Italy, giới chức Malta khẳng định rằng Malta là quốc gia có chủ quyền và không ai có thể bắt Malta phải làm như thế nào.
Trong khi đó, ngày 23/6, với tuyên bố ủng hộ việc trừng phạt tài chính những nước thành viên Liên minh châu Âu từ chối tiếp nhận người nhập cư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ với Italy. Phản ứng trước tuyên bố trên, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho rằng: “Italy đang phải đối mặt với tình trạng báo động về người di cư một phần là do Pháp tiếp tục đẩy lui dòng người di cư tại biên giới. Tổng thống Macron có thể sẽ biến nước Pháp thành kẻ thù số 1 của Italy trong vấn đề này”.
Cái kết nào cho Hội nghị thượng đỉnh EU
Hội nghị thượng đỉnh EU họp cuối tuần này sẽ tập trung thảo luận các biện pháp đẩy nhanh quy trình đưa người tị nạn trở về quốc gia có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn. Theo nhiều nguồn tin, trong Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị, có một số nội dung được các nhà lãnh đạo EU ủng hộ như tăng cường năng lực cho các trung tâm tiếp nhận và bảo vệ người di cư ngoài châu Âu; áp dụng các quy chế tài chính và thương mại để gây sức ép lên các quốc gia là xuất phát điểm hoặc là nơi trung chuyển người nhập cư phải có biện pháp cần thiết để ngăn chặn di cư; gia tăng hợp tác với lực lượng cảnh sát bờ biển của Libya để chấm dứt nạn buôn người bất hợp pháp.
Tuy nhiên với những gì diễn ra trước thềm Hội nghị quan trọng này, thật khó để có thể kỳ vọng Hội nghị sẽ đưa ra được một giải pháp hữu hiệu được các nước thông qua và tuân thủ.