Hội nghị thượng đỉnh EU trước thách thức về ngân sách

(VOV5)- Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/2 tới, tại Brussels (Bỉ). Tâm điểm của Hội nghị chính là phiên thảo luận về ngân sách giai đoạn 2014 - 2020, nội dung từng gây tranh luận gay gắt giữa các thành viên EU tại nhiều phiên họp trước đó. Lần này cũng không phải ngoại lệ khi trước thềm Hội nghị, hàng loạt quan chức nhiều nước trong khối này bày tỏ quan ngại về khả năng đạt được thoả hiệp về khoản ngân sách trị giá hơn 1 nghìn tỷ euro.



Hội nghị thượng đỉnh EU trước thách thức về ngân sách - ảnh 1

Theo nhận định của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Mario Monti, các cuộc thương lượng về ngân sách châu Âu cho giai đoạn 2014 - 2020 ngày càng khó khăn. Trong tuyên bố chung Pháp - Italia phát đi từ Điện Elysée, ngày 3/2, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Monti đều chung nhận định EU chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho một thỏa hiệp về ngân sách. Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo mặc dù Pháp đã rất mong muốn đạt được một thỏa thuận nhưng ông thấy trước rằng sẽ không có được sự đồng thuận ngay lập tức. Cùng quan ngại này, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng bà đã chuẩn bị tinh thần cho những cuộc đàm phán rất khó khăn. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Martin Schulz, đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng của khối khi nhận định với một tờ báo Đức rằng tương lai của EU có thể gặp rủi ro. Ông Martin Schulz cũng kêu gọi thông qua ngân sách nhằm đẩy lùi bất bình đẳng xã hội do tác động của khủng hoảng kinh tế.     


Hội nghị thượng đỉnh EU trước thách thức về ngân sách - ảnh 2
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Trụ sở EU. (Nguồn: AFP)

Trong dự thảo ngân sách dài hạn do Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy công bố từ trung tuần tháng 11 năm 2012, dự kiến ngân sách EU giai đoạn 2014 – 2020 sẽ giảm khoảng 80 tỷ euro. Phần cắt giảm này thấp hơn mức đề xuất 100- 120 tỷ euro của các nước đóng góp chính cho ngân sách EU trong đó có Anh, Đức. Đây cũng là nguyên nhân gây tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên, bởi các nước này không muốn phải gánh trách nhiệm đóng góp lớn trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hiện nay. Trong đó, Anh là quốc gia đòi hỏi sự cắt giảm nhiều nhất. Anh cũng không nhất trí với khoản tiền mà nước này được EU phân bổ lại hàng năm vì cho rằng khoản tiền này quá ít ỏi so với đóng góp của Anh. Đến nay quan điểm này vẫn chưa thay đổi. Và điều này hoàn toàn không có lợi cho Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Thủ tướng Italia Mario Monti thì cho rằng đóng góp của nước nào cho ngân sách cần phải tương xứng với thực trạng kinh tế của nước đó, vì phải tính đến một thực tế là cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến nước này nhiều hơn nước khác. Viễn cảnh đạt được thoả thuận về ngân sách EU càng trở nên mờ mịt hơn khi các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ phủ quyết nếu mức cắt giảm ngân sách quá lớn. Động thái này khiến các nước thành viên rất có thể phải tái khởi động tiến trình đàm phán ngân sách lại từ đầu.

Trong trường hợp EU không thông qua được ngân sách thì bất bình đẳng trong xã hội hiện nay ở Châu Âu sẽ trở thành hệ lụy cho người lao động ở mỗi quốc gia. Cùng với tình hình kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng có, sự chênh lệch các nguồn thu tài chính giữa các nước thành viên trong EU sẽ càng tạo khoảng cách khó gắn kết. Đó là chưa kể đến việc châu Âu sẽ không còn đủ khả năng tài chính để ngăn chặn những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong khối.

Liên minh châu Âu đã từng thất bại trong nỗ lực đầu tiên về thông qua khoản ngân sách trên 1 nghìn tỷ euro (1,37 nghìn tỷ USD) trong một cuộc họp vào tháng 11/2012. Xem ra  việc đạt được một thoả thuận về ngân sách, vốn đã bị  trì hoãn quá lâu, trong đó có thể dung hòa lợi ích của cả 27 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới là khó khả thi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác