Italy trước cuộc trưng cầu dân ý

(VOV5) -  Ngày 4/12 tới, cử tri Italy sẽ đi bỏ phiếu để quyết định ủng hộ hay phản đối việc xây dựng lại hiến pháp của nước này trong bối cảnh sự lo lắng đang hiện hữu khắp nơi.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Matteo Renzi nói riêng, vào sự ổn định của chính trường Italy nói chung, thậm chí có thể tạo cú sốc với Liên minh châu Âu (EU).

Trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp sắp tới, cử tri Italy sẽ bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối việc cắt giảm quyền lực của Thượng viện, tăng thêm quyền lực cho chính quyền trung ương. Theo đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Matteo Renzi, số Thượng nghị sĩ sẽ bị cắt giảm từ 315 xuống còn 100 nghị sỹ.

Italy trước cuộc trưng cầu dân ý  - ảnh 1
Người dân Italy tham gia cuộc biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp ở Rome ngày 27/11. Ảnh: AP/ TTXVN


Thượng viện chỉ chịu trách nhiệm về sửa đổi hiến pháp và các luật vốn tác động đến 20 vùng của Italy. Hạ viện Italy có nhiệm vụ tiến hành các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và thông qua các dự luật. Thứ hai là người dân Italy phải quyết định xem liệu có nên giảm bớt quyền lực của các chính quyền địa phương để tăng thêm quyền lực của chính quyền trung ương hay không nhằm tăng cường sự ổn định chính trị tại Italy, nơi có đến 63 bộ máy chính quyền vùng kể từ năm 1945.

Lý do trưng cầu dân ý

Thủ tướng Matteo Renzi đã gọi cải cách hiến pháp là mẹ của tất cả các cuộc cải cách và là những thay đổi mang tính bước ngoặt theo đó sẽ vạch ra một đường hướng mới cho Italy trong nhiều thập kỷ tới. Ông Renzi khẳng định cải cách hiến pháp là điều cần thiết nhằm đưa Italy trở nên hiện đại và hiệu quả hơn, tương thích hơn với Liên minh châu Âu, và đất nước này sẽ được trang bị tốt hơn nhằm đối mặt với những thách thức trong một thế giới đang toàn cầu hóa một cách nhanh chóng.

Sở dĩ Thủ tướng Matteo Renzi quyết tâm tổ  chức cải các hiến pháp vì hiện nay, Thượng viện và Hạ viện ở Italy đang có quyền lực ngang nhau nên công việc lập pháp gần như không đưa ra được các quyết sách kịp thời. Điều này cản trở rất nhiều tới quá trình tiến hành những cải cách lớn và mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị của Chính phủ Italy. Nếu hiến pháp Italy được thay đổi, tiếng nói của Thượng viện sẽ có ít trọng lượng hơn Hạ viện. Điều này cùng với luật bầu cử mới (quy định đảng cầm quyền nắm được đa số ghế trong Quốc hội sẽ không cần liên minh với các đảng khác) sẽ tạo đòn bẩy để Thủ tướng Matteo Renzi có khả năng thực thi chương trình cải tổ kinh tế mà ông ủng hộ. Trong khi đó, các nhà kinh tế học cũng khẳng định Italy cần phải thay đổi hiến pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bước đi mạo hiểm trong hợp lý của Thủ tướng Matteo Renzi

 Với quyết tâm cải cách kinh tế, chính trị, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã đặt cược tương lai chính trị của mình vào cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12, khi ngay từ đầu, ông đã cam kết sẽ từ chức nếu người dân bỏ phiếu phản đối. Tuy nhiên chính điều này đang được phe chống cải cách lợi dụng để ép buộc ông từ chức nếu ông thất bại. Ngay nội bộ đảng Dân chủ (PD) của Thủ tướng Matteo Renzi cũng đang bị chia rẽ sâu sắc khi cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra. Đáng chú ý, khoảng 40 cuộc thăm dò dư luận được công bố trước ngày 18/11 cho thấy phe phản đối cải cách đang dẫn điểm trước phe của Thủ tướng Matteo Renzi. Ngày 27/11, hàng chục nghìn người thuộc các phái phản đối cải cách hiến pháp ở Italy cũng đã xuống đường biểu tình, kêu gọi bỏ phiếu “chống” trong cuộc trưng cầu ý dân.

Những diễn biến trước thềm trưng cầu dân ý rõ ràng là điều bất lợi với tương lai chính trị của Thủ tướng Matteo Renzi. Nếu thất bại, ông Renzi sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo đảng PD, cho dù ông từ chức Thủ tướng nhưng kinh tế Italy sẽ biến động theo chiều hướng xấu. 8 ngân hàng của Italy có thể bị sụp đổ. Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italy hiện ở mức cao, khoảng 400 tỷ USD (theo Qũy tiền tệ quốc tế) và bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn cho nền chính trị Italy cũng đều sẽ dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính nước này.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng theo dõi chặt chẽ cuộc bỏ phiếu ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vì nếu Thủ tướng Matteo Renzi thất bại, đảng cánh hữu “Phong trào 5 sao” do cựu danh hài Beppe Grillo đứng đầu (đảng đối lập chính trong Quốc hội và là lực lượng kiên quyết phản đối cải cách Hiến pháp) sẽ gia tăng uy tín một cách mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm là Phong trào 5 sao này có chủ chương ủng hộ Italy rời khỏi EU.

Với cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp ngày 4/12 tới, đất nước Italy đang đứng trước thử thách khó khăn. Dư luận đang dõi theo những diễn biến bất ngờ vào phút chót trên chính trường quốc gia này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác