Khủng bố: Thách thức lớn của an ninh toàn cầu năm 2016

(VOV5) - Hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước Bỉ rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom nhà ga tàu điện ngầm, sân bay, máy bay của hãng hàng không Ai Cập rơi trên chặng bay từ Paris tới Cairo...là 3 trong số hàng trăm vụ khủng bố trong năm 2016, gây sự chú ý mạnh mẽ và phẫn nộ của cộng đồng thế giới. Những kẻ khủng bố, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, đã trở thành mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh và hòa bình quốc tế năm 2016. 

Khủng bố: Thách thức lớn của an ninh toàn cầu năm 2016 - ảnh 1
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/11. AFP/TTXVN



Một năm nhiều tang thương, tổn thất

Trung Đông, khu vực đầy bất ổn của thế giới từ hàng chục năm qua, thêm một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi 2 trong số những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực là Ai Cập và Thổ Nhỹ Kỳ, liên tiếp phải hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu những ngày qua. Thống kê chính thức đã có ít nhất hơn 100 người chết cùng hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc tấn công xảy ra trong vòng 3 ngày qua tại 2 quốc gia này.

Tại Ai Cập, quốc gia đang chìm trong cuộc khủng hoảng kép an ninh – kinh tế từ hơn 5 năm qua, chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày từ 9 đến 11/12, đã phải hứng chịu 2 cuộc đánh bom khủng bố kinh hoàng khiến tổng cộng hơn 30 người chết và gần 60 người bị thương. Còn tại Thổ Nhỹ Kỳ, một vụ đánh bom kép đã xảy ra bên ngoài một sân bóng đá ở thành phố lớn nhất nước Istanbul, tối thứ 7 (10/12) vừa qua, cướp đi mạng sống của 38 người và khiến 155 người khác bị thương. Lực lượng Đảng công nhân người Kurd (PKK), đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. PKK cũng chính là thủ phạm của vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Ankara hồi năm ngoái khiến 37 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng những ngày qua tại Trung Đông, theo các nhà quan sát, có thể là sự khởi đầu cho một làn sóng khủng bố và bạo lực đẫm máu mới tại Trung Đông, một khu vực vốn đầy rẫy bất ổn và hiện đang được coi là thánh địa lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố, cực đoan phát triển và bành trướng tội ác.

 

Mức độ khủng bố ngày càng nguy hiểm

 

Tuy nhiên, nhìn lại 1 năm qua, không chỉ Trung Đông mà nhiều khu vực khác trên thế giới cũng hứng chịu nhiều tổn thất bởi khủng bố với mức độ đáng lo ngại. Theo một thống kê chưa đầy đủ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 100 âm mưu khủng bố nhằm vào phương Tây trong năm qua. Điều đáng nói là 44% trong số đó được tiến hành thành công, cao hơn so với con số 33% của năm 2015.

 

Cũng theo một bản đồ mật của Nhà Trắng được đài NBC News đăng tải gần đây, cho thấy IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng), một tổ chức khủng bố lớn nhất hiện nay, đã mở rộng hoạt động tại 18 quốc gia trong năm 2016, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014. Với ngân quỹ hằng năm của IS lên tới 2,2 tỷ USD, khoảng 200 nghìn tay súng cùng nhiều chính sách chiêu mộ quân rầm rộ, IS đang trở thành một trong những tổ chức khủng bố giàu mạnh nhất thế giới với nguồn thu từ bán dầu mỏ trên thị trường chợ đen và bắt cóc đòi tiền chuộc lên tới hơn 2 triệu USD/ngày.

 

Tuy năm 2016 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS do liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Những thất bại liên tiếp trên chiến trường thời gian gần đây khiến IS mất dần lãnh thổ (ước tính khoảng 40%) tại hai địa bàn hoạt động được coi là đại bản doanh của tổ chức này là Syria và Iraq. Đây là nguyên nhân khiến IS điên cuồng tấn công trả đũa bên ngoài những lãnh thổ đang chiếm giữ, trong đó có việc xoay sang tấn công du khách ở các thành phố khắp thế giới. Đáng lo ngại, các cuộc tấn công theo mô hình “sói đơn độc” minh chứng đáng sợ cho mức độ nguy hiểm của hình thức khủng bố mới này. Vụ tấn công bằng xe tại thành phố du lịch Nice, miền Nam nước Pháp, khiến 84 người thiệt mạng hồi tháng 7/2016 hay vụ xả súng ngày 22/7 ở Munich, Đức, là những ví dụ điển hình.

 

Khủng bố: Thách thức lớn của an ninh toàn cầu năm 2016 - ảnh 2
Cảnh sát gác bên ngoài trụ sở tòa án ở Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hai đồng lãnh đạo đảng ủng hộ người Kurd bị bắt. AFP/TTXVN


Cuộc chiến còn nhiều cam go

 

Số lượng các đối tượng khủng bố đơn lẻ dường như ngày càng gia tăng. Nguyên nhân đến từ những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu với người nghèo, giữa người bản xứ và người nhập cư ngày càng lớn đang làm cho xã hội bị chia rẽ sâu sắc hơn. Sự gia tăng đột biến của dòng người di cư từ năm ngoái đến nay tiếp tục đẩy cao những xu hướng bất bình đẳng này. Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào hoặc tư tưởng cực đoan hay rơi vào trạng thái trầm cảm, từ đó trở thành những kẻ khủng bố luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc.

 

Năm 2016 có thể coi là năm chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nạn khủng bố toàn cầu. Những bộn bề trong cuộc nội chiến ở Syria, xung đột sắc tộc ở hàng loạt các quốc gia Trung Đông, là điều kiện lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố, cực đoan phát triển và bành trướng tội ác. Khủng bố không chỉ gieo rắc sự chết chóc và tàn phá ở Trung Đông mà còn gây ra các vụ sát hại đẫm máu đối với những người dân vô tội ở bên ngoài khu vực này. Bước sang năm mới 2017, cộng đồng quốc tế trông đợi những nỗ lực chung, mạnh mẽ hơn nữa, cả về mặt quân sự và ý thức hệ, của các nhà lãnh đạo thế giới, để ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu khủng bố.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác