(VOV5) - Đến hôm nay, thoả thuận ngừng bắn trong vòng 72 giờ giữa Israel và Hamas do Ai Cập làm trung gian đã đi được 2/3 thời gian quy định. Không thể phủ nhận đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh một lệnh ngừng bắn tương tự do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon làm trung gian vài ngày trước đó đã bị phá vỡ sau 2 tiếng có hiệu lực. Tuy nhiên việc cả Israel và Hamas tôn trọng lệnh ngừng bắn đến thời điểm này không có nghĩa là cơ hội hòa bình sẽ sớm quay trở lại với người dân ở dải Gaza.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau 29 ngày xung đột giữa Israel và Hamas, khiến gần 1900 người Palestine thiệt mạng (80% là thường dân) do đạn pháo của Israel.
Theo thỏa thuận mới, bộ binh Israel rút hết khỏi Gaza, một trong những điều kiện mà Hamas đưa ra để hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Quân đội Israel cũng tuyên bố họ đã phá huỷ hầu hết các đường hầm xuyên biên giới của Hamas, mục tiêu chính trong việc tấn công tại Gaza của Israel lần này.
Phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế
Trước báo chí quốc tế, các quan chức quân đội Israel và Hamas đều cam kết sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Đây là khoảng thời gian quý giá để các bên thực hiện cứu trợ nhân đạo đồng thời là cơ hội để Liên hợp quốc, Mỹ, Tel Aviv, Hamas và Ai Cập...tìm kiếm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho cuộc chiến này. Ngay trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Israel đã rút toàn bộ lực lượng gồm binh sỹ và xe tăng khỏi Dải Gaza. Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Peter Lerner cho biết lệnh rút quân được đưa ra sau khi quân đội nước này đã hoàn tất chiến dịch phá hủy các đường hầm xuyên biên giới của phong trào Hamas. Theo đó, ít nhất 32 đường hầm và hàng chục lối vào đường hầm đã bị phá hủy.
Cộng đồng quốc tế hy vọng thỏa thuận ngừng bắn lần này là cơ hội để mở ra đối thoại giữa các bên xung đột. Hoa Kỳ đã nhanh chóng hoan nghênh bước ngoặt mới này, coi đây là một cơ hội thực sự cho những thỏa thuận tích cực tiếp theo. Hoa Kỳ cũng không quên yêu cầu cả Israel và Hamas phải tuân thủ tuyệt đối lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hối thúc cả Israel và phong trào Hamas kiềm chế tối đa, kêu gọi các bên khởi động càng sớm càng tốt, tiến trình đàm phán ở thủ đô Cairo (Ai Cập) về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cũng như các vấn đề cơ bản. Ông Ban Ki-moon cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện các bên đạt một thỏa thuận chấm dứt xung đột tại vùng lãnh thổ này. Liên minh châu Âu cũng ra tuyên bố nhiệt liệt hoan nghênh lệnh ngừng bắn, nhấn mạnh việc các bên phải lập tức chấm dứt các tổn thất đối với sinh mạng thường dân đồng thời kêu gọi Israel và Hamas không để lỡ cơ hội này.
Triển vọng hòa bình mong manh
Một ngày sau lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực, ngày 6/8, Israel đã đồng ý kéo dài lệnh ngừng bắn hiện nay tại Dải Gaza qua thời hạn chót ngày 8/8, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp Israel-Palestine diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Tuy nhiên, về phần mình, Phong trào Hồi giáo Hamas lại nhanh chóng bác bỏ thông tin này, thậm chí Phong trào này còn cảnh báo nối lại các cuộc tấn công nếu Israel không chấp nhận tất cả những đòi hỏi của Palestine, nhất là việc chấm dứt phong tỏa Gaza và trả tự do cho các tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ. Một nguồn tin trong Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hamas, còn khẳng định lực lượng này sẽ nối lại các hành động ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc vào 8 giờ sáng ngày 8/8.
Trong một diễn biến liên quan, tuy thực hiện lệnh ngừng bắn nhưng chính quyền Israel cho biết Israel sẽ tái triển khai quân tại các điểm phòng thủ bên ngoài Dải Gaza đề phòng các trường hợp bị tấn công. Một quan chức ngoại giao cao cấp của Israel còn cho biết Israel đã sẵn sàng cho khả năng Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn và cảnh báo người dân Israel cảnh giác.
Thực tế cho thấy rằng, thỏa thuận ngừng bắn mới lần này chính là kết quả của sức ép từ cộng đồng quốc tế chứ không phải xuất phát từ sự chủ động của cả Isael và Hamas. Do đó, giới phân tích cho rằng kể cả khi cuộc xung đột này lắng xuống thì tương lai hòa bình ở dải Gaza vẫn rất mong manh./.