Palestine - Israel lỡ cơ hội hoà bình

(VOV5) - Sau hơn 8 tháng khởi động dưới sự bảo trợ của Mỹ, sáng kiến hoà bình Trung Đông do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khởi xướng đã không cán đích đúng hạn. Thay vì phải đạt được thoả thuận khung vào hôm nay (29/4), nhằm giải quyết những vấn đề được xem là nhạy cảm nhất như biên giới, các khu định cư, quy chế của Jerusalem và người tị nạn, thì cả Israel và Palestine lại đang quay ra trả đũa lẫn nhau về chính trị và kinh tế.

Cho dù nhiều quan chức Mỹ bao biện rằng tiến trình hòa bình Trung Đông chỉ bị gián đoạn nhưng việc cuối tuần qua, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận việc tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine là cần thiết đã cho thấy sự bế tắc toàn diện của các bên liên quan. Lý do ông Barack Obama đưa ra là các nhà lãnh đạo của cả Israel và Palestine đều thiếu thiện chí trong việc nhượng bộ lẫn nhau trong các vấn đề then chốt.

Trả đũa thay vì nhượng bộ

Một trong những nguyên nhân mới nhất dẫn đến việc Israel quyết định ngừng đàm phán hoà bình là do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và phong trào Hồi giáo Hamas nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết, động thái được cho là sẽ chấm dứt nhiều năm chia rẽ của hai phe phái đối địch này. Phía Israel cho rằng thỏa thuận hòa giải giữa hai phái Palestine là khó hiểu và gây tổn hại các nỗ lực hòa bình. Điều này có thể hiểu được khi từ lâu Israel đã liệt Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố trong khi Hamas luôn từ chối công nhận Israel, chấm dứt bạo lực và công nhận các thỏa thuận được ký kết trước đây giữa Israel và Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán với một chính phủ Palestine do một tổ chức khủng bố thề hủy diệt Israel hậu thuẫn. Cùng với quyết định ngừng đàm phán hòa bình, Israel đồng thời cũng áp đặt trừng phạt kinh tế với Chính quyền Palestine. Giới quan sát cho rằng trong những ngày tới, ông Benjamin Netanyahu có khả năng sẽ tiếp tục công kích về thoả thuận hoà giải dân tộc giữa  Fatah và Hamas.

Palestine - Israel lỡ cơ hội hoà bình - ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas nhằm thúc đẩy hòa đàm Trung Đông ngày 26/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một động thái đáp trả, Hội đồng Trung ương của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã quyết định tăng cường nỗ lực tìm kiếm vị thế nhà nước thông qua việc ký 63 hiệp định quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ). PLO cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng LHQ lên án Israel xây dựng khu định cư, tiến hành các hoạt động chống Palestine ở Jerusalem, gây tổn hại các nhà thờ Thiên chúa giáo và đền thờ Hồi giáo. Hội đồng Trung ương PLO còn bỏ phiếu yêu cầu các nước thành viên LHQ tẩy chay các công ty và tổ chức ủng hộ sự chiếm đóng của Israel. Trong một động thái kiên quyết hơn, Hội đồng 120 thành viên của PLO cũng bác bỏ đòi hỏi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc Palestine phải công nhận Israel là nhà nước Do Thái.

 Bất lợi cho tất cả các bên

Theo giới quan sát, không bên nào được lợi khi tiến trình hoà bình Trung Đông bế tắc. Nếu Mỹ không còn hứng thú với việc thúc đẩy tiến trình này, mà đây là khả năng lớn trong thời gian tới, thì cả Israel và Palestine sẽ phải tự giải quyết xung đột.

Palestine - Israel lỡ cơ hội hoà bình - ảnh 2
Nỗ lực làm trung gian cho hoà bình Trung Đông của ông Obama (giữa) dường như không đạt kết quả như mong muốn (Ảnh Reuters)


Đối với Palestine, ảnh hưởng về kinh tế và an ninh là có thể nhìn nhận thấy rõ. Ngoài lệnh áp đặt trừng phạt kinh tế do Israel gây ra, người dân Palestine đang đứng trước khả năng Mỹ sẽ cân nhắc lại các khoản viện trợ dành cho Palestine. Trong khi đó, với Israel, hậu quả sẽ là việc ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Cụ thể là sự gia tăng những lời kêu gọi tẩy chay và thậm chí là trừng  phạt của Liên minh châu Âu và các tổ chức khác chống lại hoạt động kinh doanh của Israel tại các khu định cư. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cảnh báo khả năng Israel trở thành một Nhà nước Do Thái sẽ bị hủy hoại nếu không sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình bền vững với chính quyền Palestine.

Mặc dù Mỹ tuyên bố đây là thời điểm các bên tạm ngừng mọi hoạt động để Israel và Palestine cùng xem xét các khả năng và đưa ra những quyết định tiếp theo nhưng rõ ràng tiến trình hoà bình Trung Đông đang bế tắc. Việc nhượng bộ giữa các bên trong thời gian tới khó có thể xảy ra, bất chấp việc lãnh đạo Palestine và Israel vẫn khẳng định muốn kéo dài đàm phán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Palestine và Israel tiếp tục bỏ lỡ cơ hội hoà bình hiếm hoi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác