(VOV5) - Trung Đông là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng và liên quan tới nhiều lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Năm 2020, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump tiếp tục thực thi chính sách sách can thiệp và gây ảnh hưởng tại Trung Đông. Tuy nhiên, cũng như nhiều chính sách đối ngoại toàn cầu khác của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, chính sách can thiệp và gây ảnh hưởng tại Trung Đông năm 2020 đã nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận quốc tế, thậm chí trong chính nội bộ nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông bên cạnh Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (ảnh: AP) |
Theo giới phân tích, chính sách can thiệp và gây ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Động trong năm 2020 tiếp tục mang nặng dấu ấn cá nhân của Tổng thống Donald Trump, chính khách nổi tiếng với những quyết định bất ngờ. Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích, song không thể phủ nhận những tín hiệu hòa bình tích cực đã và đang xuất hiện tại khu vực vốn luôn được coi là điểm nóng của thế giới từ nhiều thập niên qua.
Thúc đẩy xu thế hòa giải giữa Israel và thế giới Ả rập
Một trong những thành tựu đối ngoại lớn nhất trong năm 2020 cũng như trong cả nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 4 năm qua của ông Donald Trump, chính là kiến tạo thành công một loạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do thái Israel và thế giới A rập.
Ngày 15/9/2020, sau nhiều nỗ lực trung gian của Tổng thống Trump, đại diện Chính phủ Israel và hai nước A rập là Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UEA) và Bahrain, đã ký thỏa thuận bình hóa quan hệ tại Nhà Trắng (Mỹ) dưới sự chứng kiến của người đứng dầu nước Mỹ. Với việc ký kết này, UEA và Bahrain trở thành quốc gia A rập thứ 3 và thứ 4 chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh và bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước đó, Ai Cập là quốc gia A rập đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979 và Jordan trở thành nước A rập thứ hai chấm dứt quan hệ thù địch với Israel năm 1994.
Chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 23/10, Tổng thống Mỹ tuyên bố Israel đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Sudan. Tiếp đến, ngày 10/12, Tổng thống Trump tiếp tục thông báo Morocco trở thành nước A rập thứ 4 bình thường hóa quan hệ với Israel trong năm 2020. Ngoài ra, theo đánh giá của Chính quyền Mỹ, còn một số quốc gia A rập khác đang rất sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel.
Rõ ràng, dù còn có những tranh cãi, thậm chí vấp phải sự phản đối dữ dội của Chính quyền Paletine cũng một số nước A rập, song không thể phủ nhận rằng, việc kiến tạo thành công các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước A rập, Chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump đang tạo ra xu thế hòa giải tích cực tại Trung Đông.
Tăng cường cô lập và trừng phạt chống Iran
Thế nhưng, cũng như nhiều động thái đối ngoại toàn cầu khác của nước Mỹ trong những năm qua, sự can thiệp và nỗ lực gây ảnh hưởng của Chính quyền Tổng thống Trump tại Trung Đông không phải lúc nào cũng nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng của cộng đồng quốc tế hay giúp cũng cố xu thế hòa giải tại khu vực. Điển hình trong đó là chính sách cứng rắn của Mỹ nhằm vào Iran.
Đầu năm 2020, Chính quyền Mỹ khiến thế giới lo lắng khi tiến hành cuộc không kích hạ sát Tướng Qassem Soleiman, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tại Iraq (ngày 3/1). Đây được coi là hành động khiêu khích nguy hiểm và thực tế đã khiến Iran phải tiến hành cuộc tấn công đáp trả bằng tên lửa nhằm vào một loạt căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq hôm 8/1, nhưng không gây ra thương vong.
Tiếp đó, Mỹ còn áp đặt thêm nhiều biện pháp cấm vận chống Iran (trong các tháng 1 và 3/2020) với cáo buộc Iran vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vấn đề hạt nhân, đồng thời tiến hành nhiều nỗ lực nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran (hết hạn tháng 10/2020). Cùng với các biện pháp cấm vận và cô lập Iran, giới chức Mỹ còn công khai khẳng định sẵn sàng tiến hành biện pháp quân sự chống Iran. Đơn cử, đầu tháng 7/2020, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Iran Brian Hook khẳng định: lựa chọn quân sự luôn được để ngỏ nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trái ngược với nỗ lực thúc đẩy hòa giải giữa Israel và các nước A rập, chính sách cấm vận, cô lập và đe dọa quân sự chống Iran của Mỹ trong năm 2020, khiến cho dư luận khu vực và thế giới không khỏi lo lắng cho tương lai của Trung Đông, khu vực vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn kéo dài trong nhiều thập niên qua.