Nga và phương Tây nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine

(VOV5) - Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết tình hình ở biên giới Nga-Ukraine.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây không có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây xung quanh vấn đề Ukraine. Dư luận bước đầu có thể thở phào sau giai đoạn những cáo buộc xâm lược, cảnh báo đáp trả cùng việc hai bên dồn dập triển khai quân khiến bầu không khí ở đây nóng lên từng giờ.

Nga và phương Tây nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine - ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Theo sau các hình ảnh vệ tinh về khí tài Nga tập trung gần biên giới Ukraine, vũ khí của Mỹ và phương Tây đã tới Kiev. Tương tự, sau những thông tin cho rằng Nga sắp tấn công Ukraine, hàng ngàn lính Mỹ được tăng viện đến các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giáp Nga và Ukraine.

Những cáo buộc bị bác bỏ

Truyền thông Mỹ trong vài ngày gần đây tiết lộ nhận định từ những quan chức Mỹ rằng Nga có thể phát động một cuộc xâm lược tổng lực vào Ukraine trong vài tuần nữa. Theo đó, quân đội Nga đã bố trí gần Ukraine tổng cộng 83 "nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn", mỗi nhóm có quy mô gần tương đương với một tiểu đoàn của Mỹ từ 750 - 1.000 binh sĩ. Nga đã tập hợp khoảng 70% sức mạnh chiến đấu cho một cuộc tấn công và đang gửi thêm các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn đến biên giới Ukraine. Thậm chí, trên báo New York Times và Washington Post ngày 5/2, một số quan chức ẩn danh cũng cảnh báo một cuộc xâm lược toàn diện của Nga có thể dẫn đến việc hơn 50.000 người thương vong. Những con số là rất cụ thể, nhưng cơ sở nào để Washington nêu ra dự đoán thì hoàn toàn mù mịt. Đây cũng là điều mà ngay cả báo giới Mỹ đặt ra.

Nga và phương Tây nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine - ảnh 2Lính Ukraine ở khu vực tiền tuyến gần Trokhizbenka, miền đông Ukraine hôm 2/2. Ảnh: New York Times

Nga đã liên tục bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời chỉ trích phương Tây đang cố tình châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Washington đang cố gắng kéo sự tập trung của quốc tế vào căng thẳng Nga – Ukraine và kích động leo thang. Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy thì thẳng thắn hơn khi gọi những suy đoán của Mỹ cùng phương Tây là "điên rồ và đáng sợ".

Nỗ lực ngoại giao giảm thiểu căng thẳng

Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu căn nguyên của xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Ukraine - một phần của đế chế Nga trong nhiều thế kỷ trước khi trở thành nước cộng hòa thuộc Liên Xô - đã giành được độc lập khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Nước này từ đó đã củng cố mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với phương Tây. Quyết định của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Nga từ chối một thỏa thuận liên kết với Liên minh Châu Âu để ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn khiến ông bị lật đổ vào năm 2014. Cùng năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng trong năm này, cuộc nổi dậy ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine.

Chính quyền mới của Ukraine được thành lập với phần lớn là các chính khách thân phương Tây, ngày càng mong muốn được sớm gia nhập NATO để bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nói rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là ranh giới đỏ và Nga không muốn Ukraine gia nhập NATO. Nga cũng yêu cầu ngừng bất kỳ cuộc tập trận nào của NATO gần biên giới nước này, đồng thời muốn NATO rút khỏi Đông Âu. Ông Putin đề nghị phương Tây tham gia vào các cuộc đàm phán thực chất về vấn đề này. Nga cũng nhấn mạnh, nước này không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, đồng thời cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước những diễn biến căng thẳng hiện nay, các quốc gia đang có những nỗ lực ngoại giao tích cực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremli, theo đó hai bên nhất trí với một số đề xuất an ninh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Dù chi tiết hội đàm chưa tiết lộ cụ thể nhưng hai bên đều khẳng định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra chiến tranh, xây dựng lòng tin giữa các bên.
Sau Nga, ông E.Macron tới Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết tình hình ở biên giới Nga-Ukraine và Mỹ cùng Đức tiếp tục thiện chí đàm phán an ninh với Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khẳng định sử dụng mọi cơ hội ngoại giao” để giảm leo thang căng thẳng. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò hòa giải cho những bất đồng giữa hai nước.

Trong lúc này, việc tăng cường các trao đổi ngoại giao được cho là mang lại kết quả tích cực, giúp các bên tìm được điểm chung có thể thỏa hiệp, tìm ra con đường giảm leo thang căng thẳng trong sự thống nhất, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác