Ngăn chặn dịch Ebola: nhiệm vụ không dễ dàng

(VOV5) - Mặc dù cộng đồng quốc tế đang từng ngày nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola nhưng kết quả thu được chưa như mong muốn.
 
7 tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên tại Guinea (tháng 3/2014), đến nay dịch Ebola đã khiến hơn 4 nghìn người trên thế giới tử vong. Tốc độ lây lan chóng mặt của dịch  cộng với việc chưa có vaccine, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả khiến Ebola đang trở thành đại dịch tồi tệ nhất trong những thập kỷ gần đây. Mặc dù cộng đồng quốc tế đang từng ngày nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola nhưng kết quả thu được chưa như mong muốn.

Ebola lây lan qua tiếp xúc gần với các chất dịch của cơ thể người nhiễm. Tháng 3/2014, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận tại Guinea. Ngay sau đó, các quốc gia Tây Phi như Liberia, Sierra Leone và Nigeria liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm. Riêng Liberia được đánh giá là "tử địa" của bệnh nhân nhiễm Ebola với hơn 50% số ca tử vong. Không chỉ dừng lại ở vùng dịch Tây Phi, Ebola hiện đã xuất hiện tại Tây Ban Nha, Anh, Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đến tháng 11 tới, sẽ có khoảng 20.000 người nhiễm virus chết người trên. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%.

Dịch Ebola tác động đến mọi tầng lớp xã hội ở các quốc gia bị ảnh hưởng

Sau 7 tháng bùng phát dịch, Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson phải thừa nhận rằng dịch Ebola đang nhấn chìm những tiến bộ phát triển kinh tế - xã hội và không quốc gia, không tổ chức nào có thể một mình giải quyết được dịch bệnh này. Ở góc độ kinh tế, Ngân hàng thế giới ước tính dịch bệnh Ebola có thể gây thiệt hại cho khu vực Tây Phi hơn 30 tỷ USD trong 2 năm tới. Tại Sierra Leone, Chính phủ nước này cho biết nếu dịch Ebola còn diễn biến như hiện nay, con số thiệt hại trong năm 2015 có thể sẽ tương đương với 8,9% GDP. Những tác động của Ebola lên nền kinh tế Sierra Leone khiến ngân sách quốc gia bị thâm hụt và các quỹ đầu tư đã chuyển hướng khỏi nước này. Tại Liberia, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã hạ mức tăng trưởng GDP từ 5,9% trong năm 2014 xuống chỉ còn 2,5%. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại cũng bị suy giảm khi một số quốc gia như Bờ Biển Ngà hay Senegal, láng giềng của các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola, phải đóng cửa biên giới, nhằm hạn chế sự lây lan của virus này. Đây là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thiết yếu tại các nước chịu ảnh hưởng của Ebola tăng từ 10-15%. Do lo ngại về dịch Ebola, chính phủ Ấn Độ vừa quyết định sẽ không tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi theo dự kiến vào ngày 4/12 tới, tại New Delhi.

Ngăn chặn dịch Ebola: nhiệm vụ không dễ dàng - ảnh 1
Nhân viên tình nguyện trong trang phục bảo hộ chôn xác nạn nhân Ebola tại Waterloo, cách thủ đô Freetown, Sierra Leone khoảng 30km ngày 7/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một trong những tác động lớn nhất đối với các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola là thị trường lao động. Ngành công nghiệp khai khoáng chủ lực của Sierra Leone và Liberia chủ yếu dựa vào lao động thủ công nhưng nhiều công nhân trong thời gian gần đây đang lựa chọn ở nhà do lo ngại bị nhiễm Ebola.

Giờ đây, khi những trường hợp nhiễm Ebola đã lần lượt xuất hiện tại Mỹ cũng như Tây Ban Nha, Anh thì những tác động về kinh tế mà virus Ebola gây ra sẽ không chỉ gói gọn trong khu vực Tây Phi. Thậm chí tại Hội nghị thường niên diễn ra vào tuần qua của 2 tổ chức kinh tế lớn trên thế giới là Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola lại là 1 trong 2 chủ đề chính, được đề cập.

Cần sự hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của Ebola

Trước thực tế chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có pháp đồ điều trị hiệu quả, hàng ngàn người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong lên tới 90%, người đứng đầu Phái bộ LHQ phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola, ông Anthony Banbury, thừa nhận loài người đang chạy sau virus chết người này. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc ước tính  sẽ cần phải chi khoảng 1 tỷ USD để ứng phó với dịch Ebola. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Sam Kutesa khẳng định các nước thành viên cần nhân đôi nỗ lực thông qua các cam kết tài chính để đương đầu với dịch bệnh chưa từng có này.

Ngăn chặn dịch Ebola: nhiệm vụ không dễ dàng - ảnh 2
Một sân bay ở châu Âu sử dụng màn hình soi chiếu và kiểm tra thân nhiệt hành khách.

 T
ừng nước trên thế giới cũng khẩn trương tự tiến hành các biện pháp phòng chống dịch sau khi Liên hợp quốc cảnh báo dịch Ebola mỗi ngày một diễn biến nghiêm trọng hơn. Các quan chức y tế của Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 16/10 tới để thảo luận biện pháp đối phó với bệnh dịch trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới ngày 13/10 hối thúc các nước Đông Á và Thái Bình Dương tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân trước dịch bệnh. Tại Việt Nam, để đối phó với dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam và triển khai diễn tập tại Hà Nội, TP.HCM. Nhằm giúp Việt Nam có thể đối phó với dịch bệnh Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cũng đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Cùng với cam kết về tài chính,việc gấp rút nghiên cứu để bào chế ra vaccine phòng Ebola đang được nhiều nước tiến hành. Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết Nga dự kiến sản xuất 3 loại vaccine Ebola trong 6 tháng tới. Hiện 1 loại trong số đó đã sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, Chính phủ Canada ngày 13/10 công bố bắt đầu thử nghiệm vaccine chống Ebola VSV-EBOV trên người. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm này dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Sam Kutesa từng khẳng định cộng đồng quốc tế phải hợp sức để tìm ra những giải pháp sáng tạo nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng hơn của đại dịch Ebola. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh loài người đang chạy sau virus chết người này./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác