Nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp

(VOV5) -Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. 

Các quốc gia, các doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Trong dòng chảy chung đó, tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên và được Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.

Nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp - ảnh 1Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. Ảnh: VOV

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa. Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án ngày càng tăng. Đến nay, đã có hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được giới thiệu, trong đó nhiều ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại. Các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các lớp kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, điển hình Quỹ BK-Funds của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới. Để nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam cần chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng. Điều này được Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4 vừa diễn ra tuần qua: -

"Phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy. Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng."

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo

Việt Nam đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khởi nghiệp, trong đó có thể kể đến như đề án 1665 của Chính phủ. Đề án 1665 và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực, giúp ươm mầm nhiều dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa đam mê, khát vọng của nhiều bạn trẻ.

Nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp - ảnh 2Khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. Ảnh: VOV. VN

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư mạnh đối với khởi nghiệp thế hệ trẻ. Tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo.

Chính quyền sẽ luôn đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, kiến tạo nên những giá trị cho cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước: "Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi khẳng định về sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, đến các bạn học sinh, sinh viên. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới."

So với nhiều quốc gia, Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, đồng nghĩa với việc có một lực lượng thanh niên đông đảo nói chung, lao động trẻ nói riêng. Sôi nổi, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, thanh niên Việt Nam đã và đang chứng tỏ vai trò là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Với khát vọng vươn lên, sự thay đổi tư duy, niềm tin và khát vọng, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang đóng góp vào hiện thực hóa giấc mơ sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp với tiềm lực kinh tế vững vàng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác