(VOV5) - Nội dung sửa đổi của các dự án luật chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, đảm bảo điều kiện quyền có chỗ ở của công dân, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những người yếu thế.
|
Đảm bảo đời sống cho người lao động là một trong các nội dung quan trọng (Ảnh minh họa) |
Trong số 18 dự án luật được xem xét thông qua và 12 dự án luật được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những nội dung sửa đổi của các dự án Luật này đều nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013, hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền con người. Nội dung sửa đổi của các dự án luật chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, đảm bảo điều kiện quyền có chỗ ở của công dân, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những người yếu thế.
Tập trung ổn định đời sống cho người lao động, đảm bảo quyền có chỗ ở của công dân
Trong số các dự án Luật được thảo luận, dự án Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội bởi lẽ bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội. Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên khẳng định tại Điều 59 “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống An sinh xã hội...”. Do đó, dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này định hướng được điểm rất quan trọng về mở rộng đối tượng đóng BHXH và hướng tới BHXH toàn dân trong thời gian tới. Cụ thể, dự thảo Luật quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Ngoài ra, Dự thảo Luật còn mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm với các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Bà Hồ Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: "Bổ sung đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với chính quyền cơ sở nói chung và cán bộ cấp xã nói riêng. Tuy nhiên, Chính phủ cần có giải pháp quản lý, rà soát chặt chẽ đối tượng để hạn chế việc tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước".
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nếu được thông qua và quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ pháp luật thì đây sẽ là cơ sở để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương ứng với khoảng 24,4 triệu người.
Nếu như dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm ổn định đời sống cho người lao động khi thụ hưởng bảo hiểm thì Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại có nhiều quy định thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền có chỗ ở của công dân, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về chính sách nhà ở xã hội để các đối tượng xã hội, người thu nhập thấp, hộ nghèo được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ hoặc được Nhà nước hỗ trợ vốn.
Bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những người yếu thế
Theo Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự nhằm ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự. Về cá nhân, dự thảo Bộ luật bổ sung nhiều cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những người yếu thế về năng lực hành vi dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Về pháp nhân, để cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp về quyền lập hội, quyền tự do kinh doanh, dự thảo Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Song song với việc thảo luận xem xét sửa đổi các dự án Luật, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ thảo luận việc phê chuẩn 2 công ước của Liên hợp quốc là Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc phê chuẩn 2 Công ước này sẽ đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: "Phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật là một dấu mốc quan trọng, góp phần tăng cường hành lang pháp lý để người khuyết tật tham gia bình đẳng như các thành viên khác trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tinh thần của Công ước Quyền của người khuyết tật là huy động sự tham gia của toàn cộng đồng, xã hội đối với việc hỗ trợ người khuyết tật. Điều này cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhà nước, tăng cường trách nhiệm của xã hội đồng thời ảnh hưởng tích cực đến sự tham gia của người khuyết tật vào mọi hoạt động để hòa nhập cộng đồng".
Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Văn Hằng đánh giá: "Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20)".
Bảo vệ quyền con người phụ thuộc vào tổng thể nhiều điều kiện khác nhau như kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa, trong đó pháp luật có tầm quan trọng hàng đầu. Vì các quyền con người khi được luật hóa sẽ mang tính bắt buộc, được xã hội thừa nhận, bảo vệ. Việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung một số dự án Luật liên quan đến quyền lợi của người dân sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền con người đồng thời cũng là bước quan trọng để Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống./.