Những hệ lụy khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng

(VOV5) - Trung Quốc và Mỹ đều đã phải gánh chịu thiệt hại trong cuộc chiến thuế quan bùng phát năm 2018.

Quan hệ Trung Quốc và Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Richard Nixon tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1972. Việc 2 cường quốc có những hành động trả đũa lẫn nhau không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà còn tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt là kinh tế, thương mại.

Tiếp sau những hạn chế về thị thực, quy định mới về các chuyến đi ngoại giao và trục xuất phóng viên, việc Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston theo yêu cầu của Mỹ cũng như việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô theo yêu cầu của Trung Quốc khiến quan hệ 2 nước ngày càng căng thẳng.

Ảnh
Những hệ lụy khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng - ảnh 1 Ảnh minh họa/ Nguồn AP

Hệ lụy trong quan hệ kinh tế song phương

Trung Quốc và Mỹ đều đã phải gánh chịu thiệt hại trong cuộc chiến thuế quan bùng phát năm 2018. Đầu năm 2020, cùng với việc hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, cuộc chiến thương mại xem như đã tạm lắng. Tổng thống Donald Trump dự định tiến hành đàm phán thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên việc cả hai nước xảy ra dịch Covid - 19 cùng với những căng thẳng gần đây khiến viễn cảnh về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 càng u ám.

Điều này sẽ tác động tiêu cực cho thương mại song phương. Bởi, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời còn là một thị trường “khổng lồ” về hàng hóa và dịch vụ được các công ty lớn của Mỹ, từ General Motors đến Burger King đặt làm nơi sản xuất. Thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nông sản, chất bán dẫn và các hàng hóa khác của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 11,4% trong năm 2019, song vẫn vượt quá 100 tỷ USD. Trong khi đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang giúp tạo công ăn việc làm cho gần 1 triệu người Mỹ, mặc dù con số đó đã giảm 10% so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2017. 

Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty công nghệ Mỹ chịu mức rủi ro doanh thu cao do phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc trong việc lắp ráp điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Mặt khác, việc hạn chế tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tiếp cận các linh kiện và công nghệ Mỹ đã và đang khiến các nhà cung cấp bao gồm các công ty ở Thung lũng Silicon mất nguồn thu lên tới hàng tỷ USD.  Hiện, Bắc Kinh kêu gọi các nhà xuất khẩu trong nước tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. 

Xáo trộn các quan hệ kinh tế

Quan hệ Trung - Mỹ là một phần quan trọng của quan hệ nước lớn trên thế giới cũng như toàn bộ quan hệ quốc tế. Do vậy, căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Mỹ - Trung không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế hai nước mà còn với phần còn lại của thế giới. Theo chuyên gia kinh tế học Jeffrey Sachs, Đại học Columbia (Mỹ), thế giới đang tiến đến một thời kỳ “gián đoạn diện rộng mà không có sự dẫn dắt nào”. Ông cảnh báo, sự chia rẽ giữa 2 siêu cường càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.

Trong khi đó, nghiên cứu của các công ty tại Wall Street về mối quan hệ cộng sinh đã kéo dài hàng thập kỷ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy, thế giới đang ngày càng phân cực. Các nền kinh tế và doanh nghiệp đang ngả về phía Mỹ, hoặc Trung Quốc.

Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, BlackRock, tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu của Mỹ, cho rằng sự đối đầu giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến các nước bị thúc giục chọn phe. Sự tách rời giữa hai nền kinh tế đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ, nhưng sẽ không giới hạn ở đây.         

Những tháng đầu năm 2020 chứng kiến rất nhiều biến động trong quan hệ Mỹ - Trung. Và căng thẳng hiện nay khó có thể tháo gỡ trong phần còn lại của năm 2020. Điều này cũng đồng nghĩa với những xáo trộn trong quan hệ quốc tế vẫn tiếp diễn và  khiến dư luận quan ngại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác