(VOV5) - Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã diễn ra hơn 50 năm (1961) nhưng hậu quả của nó đối với sức khoẻ con người vẫn còn hiện hữu. Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức xã hội đang nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
|
Lớp học cho các em nhở bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. |
Trong cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam, chỉ tính trong 10 năm (từ năm 1961-1971), quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít hóa chất độc, 61% trong số đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống ¼ diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết trong đau đớn. Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, đời sống thực vật.
Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra. Việt Nam đã ban hành chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Từ đó bắt đầu hình thành một chính sách độc lập cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã giải quyết được khoảng 300.000 trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các đối tượng không hoạt động kháng chiến nhưng bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin thì được áp dụng chính sách bảo trợ xã hội. Tất cả những chính sách này luôn luôn được bổ sung, hoàn chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Lực, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: "Đến nay có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 20-25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được đưa vào thực hiện chương trình chăm sóc phục hồi chức năng. Cùng với đó là những chính sách về hỗ trợ học phí, hỗ trợ vốn, vay vốn không hoàn lại hoặc ưu đãi để sản xuất kinh doanh, chính sách về đất đai, về mức sử dụng điện. Hiện nay, ở các tỉnh thành trên cả nước đều có Trung tâm bảo trợ xã hội của các Sở Lao động thương binh và xã hội, chi phí cho hoạt động của làng hữu nghị hoàn toàn từ ngân sách nhà nước”.
|
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam |
Cùng với sự trợ giúp về y tế, giáo dục, đào tạo…việc huy động các nguồn lực vật chất để giúp đỡ nạn nhân cũng được chú trọng. Tính riêng trong hơn 10 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động được trên 800 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trợ giúp trực tiếp và gián tiếp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Lực cho biết thêm: “Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam dùng số tiền huy động được để xây trung tâm nuôi dưỡng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, làm hàng nghìn ngôi nhà cho nạn nhân, hỗ trợ học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ tìm việc làm cho các em, hỗ trợ để các nạn nhân đi khám chữa bệnh, vốn sản xuất. Sự chăm sóc cho nạn nhân ngày càng đa dạng và phong phú, rất nhiều hình thức”.
Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Ngày 30/01/2004, với tư cách là Đại diện tập thể cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cùng với các nạn nhân đứng đơn kiện 37 công ty hoá chất Hoa Kỳ sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam để đòi bồi thường dân sự cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Vụ kiện đã qua ba cấp xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa tối cao. Mặc dù Tòa án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện nhưng vụ kiện đã giúp nhân dân nhiều nước trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa chất da cam/dioxin đối với nạn nhân da cam/dioxin không chỉ là 3,1 triệu người Việt Nam, mà là nhiều triệu người nữa ở các nước. Vụ kiện đã làm thay đổi thái độ và nhận thức của chính giới Mỹ, nhất là cơ quan lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ. Từ chỗ phủ nhận hoàn toàn vấn đề chất độc da cam/dioxin đến chỗ thừa nhận có nạn nhân chất độc da cam, có điểm nóng dioxin. Chính phủ Mỹ tham gia hỗ trợ kinh phí tẩy độc các điểm nóng. Từ năm tài khóa 2012, chi 5 triệu USD mỗi năm cho người khuyết tật liên quan đến chất độc hóa học ở Việt Nam. Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực khẳng định: “Hiện nay chúng ta đang triển khai tiếp tục kiện các công ty hóa chất ở Mỹ đòi họ phải làm trách nhiệm về pháp lý và đạo lý không phải chỉ vì nạn nhân da cam Việt Nam mà vì tất cả các nạn nhân nói chung trong đó có cả cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh của các nước đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam mà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ để hai dân tộc nhìn lại quá khứ, rút ra bài học, xích lại gần nhau hơn, làm cho mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng phát triển tốt đẹp như mong muốn của nhân dân hai nước”.
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã phần nào làm giảm bớt nỗi đau, mất mát cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, giúp họ thêm vững bước trong cuộc sống./.