(VOV5) - Đến thời điểm này, ai sẽ trở thành ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng vẫn chưa có câu trả lời.
Ngày 3/11 (giờ Mỹ), nước Mỹ chính thức bước vào ngày bầu cử Tổng thống. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của nước Mỹ, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ nước Mỹ, mà còn còn ảnh hưởng đến toàn thế giới, tác động trực tiếp đến các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như đến cấu trúc của hệ thống toàn cầu.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (trái) và Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden. - Ảnh: AP |
Khoảng 230 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bầu ra 538 đại cử tri, những người trực tiếp bầu Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 4 năm tới vào ngày 14/12/2020. Và để giành chiến thắng, một ứng cử viên tổng thống phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri.
Đảm bảo an toàn sức khỏe cho cử tri trong đại dịch Covid-19
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do vậy việc đảm bảo an toàn cho cử tri được đặt lên hàng đầu. Tại bang Iowa, các quan chức địa phương cho biết đã chuẩn bị bàn bỏ phiếu ở lề đường để những người đã được xác nhận mắc Covid-19 hoặc những người có nguy cơ, bỏ phiếu.
Trước đây, địa điểm này chỉ dành cho những người khuyết tật. Các quan chức địa phương khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhưng khuyến nghị các cử tri thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn tại các điểm bỏ phiếu để bảo vệ bản thân và những người xung quanh như đeo khẩu trang, đứng giãn cách. Tuần trước, chính quyền bang Iowa đã phân phát 145 nghìn găng tay, 200 nghìn khẩu trang để cử tri và nhân viên thăm dò ý kiến sử dụng.
Các cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu trong thời gian bỏ phiếu sớm ở Carmel, Ind, ngày 30/10/2020. Các cử tri tại địa điểm này đã đợi khoảng một giờ đồng hồ để bỏ phiếu. - Ảnh: AP/Michael Conroy |
Tại bang Wisconsin, Thống đốc bang này cũng đảm bảo chính quyền địa phương đã có đủ nguồn lực để bảo đảm an toàn cho cử tri. Trên phạm vi toàn quốc, đảng đảng Cộng hòa đã trấn an các cử tri rằng, việc đi bỏ phiếu sẽ không có rủi ro về sức khỏe, trong khi đảng Dân chủ thúc đẩy mạnh mẽ việc bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm.
Đến thời điểm này, ai sẽ trở thành ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng vẫn chưa có câu trả lời. Cuộc rượt đuổi sít sao giữa hai ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đảng Cộng hòa Donald Trump những ngày qua đang khiến cho kết quả bầu cử trở nên hết sức khó đoán định.
Tác động của cuộc bầu cử tới cục diện thế giới
Không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng của nước Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 còn ảnh hưởng đến toàn thế giới, tác động trực tiếp đến các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như tác động đến cấu trúc của hệ thống toàn cầu. Hàng loạt các chính sách có thể sẽ thay đổi như chính sách đối ngoại, quan hệ với các đồng minh, chính sách thương mại, quốc phòng.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu đắc cử Tổng thống, ông Joe Biden có thể sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ về các liên minh dân chủ, hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Tuy nhiên, có thể có hai kịch bản về vai trò của Mỹ trên thế giới dưới thời Tổng thống Biden: Một là, Mỹ lựa chọn vai trò lãnh đạo mang tính chủ động, khuyến khích các đồng minh và đối tác hành động tập thể; hai là, Mỹ kiềm chế hơn, tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước và để lại trách nhiệm định hình và giải quyết các mối quan ngại toàn cầu cho đồng minh và đối tác. Trong khi đó, việc ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ hai gần như chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc duy trì nguyên trạng cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết”, theo đuổi chủ nghĩa đơn phương.
Mặc dù có thể có một số nhân tố khó đoán trong nhiệm kỳ hai của Trump nếu ông tái đắc cử Tổng thống, nhưng kịch bản dễ xảy ra nhất là “Trạng thái bình thường mới” mà trong đó Tổng thống Trump sẽ duy trì lập trường “Nước Mỹ trên hết”, thông qua một số nỗ lực nhằm thực hiện một số động thái mang tính cải tổ nhiều hơn như cân nhắc các mối quan hệ của Mỹ với Nga. Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ hợp tác với các đối tác để giải quyết thách thức Trung Quốc và giúp định hình một cách tiếp cận chiến lược chung cho các nền dân chủ toàn cầu.
Thông thường, người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể được xác định ngay trong ngày bầu cử. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhu cầu bỏ phiếu qua bưu điện tăng đột biến. Cùng với đó, các bang không có sự thống nhất về thời hạn kiểm phiếu vắng mặt, nên sẽ phải mất tới vài ngày hoặc vài tuần mới có kết quả cuối cùng. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa thì đây rõ ràng sẽ là một cuộc bầu cử mang tính lịch sử, có thể tạo nên bước ngoặt mới cho nước Mỹ trong thời gian tới.