Ngày 20/01 tới, Tổng thống Mỹ, Joe Biden chính thức rời Nhà Trắng, bàn giao cương vị người đứng đầu nước Mỹ cho Tổng thống đắc cử, Donald Trump. Theo đánh giá của đa số chuyên gia, sau 4 năm, ông Joe Biden đã giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc nhưng các thành tựu đối ngoại còn nhiều tranh cãi.
Ông Joe Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2021, trở thành Tổng thống thứ 46 trong lịch sử nước Mỹ. Sau tròn 4 năm, ông Joe Biden sẽ trao lại cương vị này cho ông Donald Trump, vào ngày 20/01 tới.
Bức tranh kinh tế khả quan
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: VOV/The White House |
Trong bài phát biểu hôm 10/01 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden trích dẫn nhiều số liệu để khẳng định ông đã để lại cho một nước Mỹ một nền kinh tế vững mạnh hơn rất nhiều so với cách đây 4 năm. Cụ thể, trong 4 năm ông Joe Biden cầm quyền, nước Mỹ đã tạo ra thêm 16,6 triệu việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp là 4,1%. Chính quyền của ông Joe Biden cũng đã thông qua nhiều Đạo luật quan trọng, được đánh giá là mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế Mỹ, như: Đạo luật giải cứu nước Mỹ (ARP), Đạo luật giảm lạm phát (IRA), Đạo luật Chíp và Khoa học (CSA)… với số tiền cam kết chi ra lên đến hàng ngàn tỷ USD, qua đó giúp nước Mỹ đẩy mạnh trở lại nền sản xuất trong nước, thu hút các tập đoàn lớn nước ngoài, đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo vệ các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có tầm quan trọng chiến lược.
Hầu hết các thể chế kinh tế-tài chính quốc tế lớn đều đánh giá tích cực về kinh tế Mỹ. Trong nhận định mới nhất đưa ra hôm 10/01, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, đánh giá kinh tế Mỹ đang "tốt hơn nhiều" so với dự kiến, khi nhiều khả năng tăng trưởng 2,8% trong năm vừa qua và 2,2% trong năm nay, cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Trong báo cáo do Goldman Sachs Research phát hành tháng 11 vừa qua, ngân hàng này cũng dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Jeremi Suri, Giáo sư Lịch sử và Hành chính công tại Trường Hành chính công Lyndon.B.Johnson (LBJ), thuộc Đại học Texas ở Austin (Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã không biết cách tận dụng được thành tích kinh tế khả quan để tạo dựng được vị thế chính trị lớn hơn cho cá nhân mình và đảng Dân chủ, đặc biệt là trong giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua: “Ông ấy không biết làm nổi bật những gì mà ông ấy làm. Ông ấy không biết kể câu chuyện về kinh tế hay về liên minh phương Tây. Thử tưởng tượng nếu ông Ronald Reagan hay ông Bill Clinton ở trong hoàn cảnh tương tự thì chắc chắn họ sẽ biết làm nổi bật những thành tích này”.
Chia sẻ nhận định này, bà Nadia Brown, Giáo sư chuyên về chính phủ tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho rằng thành tích kinh tế của ông Biden phần nào bị lu mờ bởi các sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua: “Tôi nghĩ là rất khó để chỉ tán dương một vài cải cách chính mà ông ấy đã thúc đẩy một cách khôn khéo, như Đạo luật giải cứu nước Mỹ (ARP) hay Đạo luật giảm lạm phát (IRA). Tôi nghĩ phần nhiều ông ấy sẽ được nhớ đến với việc rút lui tương đối muộn trong cuộc bầu cử Tổng thống 2024, yếu tố mà nhiều người cho rằng khiến cho người thay thế ông ấy không thể chiến thắng”.
Thành tựu đối ngoại tranh cãi
Bên cạnh kinh tế, đối ngoại là lĩnh vực lớn khác ghi nhiều dấu ấn của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Khác với cách tiếp cận mang xu hướng chủ nghĩa biệt lập trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên của ông Donald Trump (2016-2020), khi lên nắm quyền 4 năm trước, Tổng thống Joe Biden đề cao sự can dự của nước Mỹ vào các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, từ các xung đột địa chính trị đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời xem việc xây dựng và củng cố quan hệ với các quốc gia đồng minh là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại. Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/01, Tổng thống Joe Biden khẳng định cách tiếp cận này đã giúp nước Mỹ lấy lại vai trò dẫn dắt trong một số vấn đề toàn cầu, đồng thời tạo dựng cho nước Mỹ nhiều quan hệ đối tác quan trọng khác: "Trước khi tôi nhậm chức, chỉ có 9 quốc gia đồng minh NATO chi 2% GDP cho quốc phòng. Con số này hiện là 23 quốc gia. Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng ta thúc đẩy những quan hệ đối tác mạnh hơn và tạo lập các quan hệ đối tác mới. Chúng ta đã làm được điều mà ít người nghĩ là có thể làm được, đó là xây dựng được quan hệ đối tác 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, nhìn nhận thành tựu đối ngoại của chính quyền ông Joe Biden ra sao không phải điều đơn giản. Theo bà Nadia Brown, bất chấp các bước tiến đáng chú ý trong việc củng cố vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc bùng phát hai cuộc xung đột lớn nhất trong vài thập kỷ qua, tại Ukraine và tại dải Gaza, vẫn tác động mạnh đến cách đánh giá về nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden. Bà Nadia Brown nhận định các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn tại dải Gaza trong những ngày cuối cùng cầm quyền càng cho thấy chính quyền của ông Joe Biden đã bế tắc ra sao trong suốt một thời gian dài, bất chấp việc xung đột tại dải Gaza gây ra các hậu quả thảm khốc cho thường dân Palestine. Trong khi đó, đối với xung đột tại Ukraine, việc kiên trì ủng hộ Ukraine và không thúc đẩy các nỗ lực đối thoại với Nga khiến chính quyền của ông Joe Biden cũng để lại cho chính quyền kế nhiệm một bài toán khó, với nhiều rủi ro leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Đối với vị thế toàn diện của nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu, Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định ông đã để lại cho người kế nhiệm một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, có nhiều “lá bài” để chơi hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những “điểm mạnh” này có thể nhanh chóng bị lãng quên khi chính quyền mới của ông Donald Trump đã thể hiện các cách tiếp cận hoàn toàn khác về chính sách đối ngoại và an ninh mới của nước Mỹ.