Tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam với số ca mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, sau hơn 30 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, từ ngày 27/4 đến nay đã xuất hiện trên 300 ca nhiễm tại một số địa phương, thậm chí tại bệnh viện tuyến Trung ương.
Mục tiêu cao nhất lúc này của Việt Nam là tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là phòng chống dịch an toàn, hiệu quả và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19 tại đầu cầu trụ sở UBND tỉnh An Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, các cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là các lực lượng tuyến đầu của Việt Nam đã nhanh chóng, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp phù hợp, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia, nhanh chóng kiểm soát tình hình, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống dịch COVID-19 đã yêu cầu các cấp ủy Đảng phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “Chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, việc phòng chống COVID-19 của Việt Nam bắt đầu chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Các đại biểu dự họp tại đầu cầu UBND tỉnh An Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phải cụ thể hóa rất rõ phạm vi trách nhiệm, chủ thể chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Xử lý nghiêm và công khai các trường họp vi phạm kể cả cán bộ công chức nhà nước. Chuyện này là đương nhiên vì được giao trách nhiệm, được giao quyền, được dùng các công cụ của nhà nước mà không làm thì yêu cầu đứng sang một bên để người khác làm. Chúng ta không nể nang, né tránh. Cái gì làm đúng thì động viên đúng mức nhưng cái gì chưa làm được thì phải cố gắng, không làm được thì phải truy cứu trách nhiệm”.
Các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các địa phương của Việt Nam trong thời gian này cũng được yêu cầu khẩn trương, quyết liệt chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung đối với người nhập cảnh bảo đảm đủ thời gian, đặc biệt là thực hiện nghiêm khâu bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú. Chính quyền địa phương, đặc biệt cấp cơ̛ sở phải thực hiện nghiêm việc theo dõi, quản lý người thuộc diện theo dõi sau cách ly trên địa bàn; siết chặt việc quản lý xuất nhập cảnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá lại việc kiểm soát nhập cảnh đối với người nước ngoài, khắc phục ngay các bất cập trong việc cách ly người nhập cảnh, quản lý người nước ngoài cư trú bất hợp pháp; tăng cường trách nhiệm của Bí thư cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và đặc biệt huy động, phát huy vai trò, tinh thần tự giác, làm chủ của nhân dân trong công tác này.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được yêu cầu chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng các tình huống chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Các tỉnh có quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo phạm vi áp dụng gọn, hẹp nhất có thể, tránh tối đa tác động bất lợi về kinh tế xã hội, không làm ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa, hết sức chú ý việc đảm bảo nguyên liệu sản xuất”.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, có phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; đẩy mạnh việc tìm kiếm, nhanh chóng liên hệ với các nước có vaccine để mua vaccine phòng dịch, đa dạng nguồn cung, bảo đảm có vaccine sớm nhất có thể và tiêm được cho nhiều người nhất có thể để nhanh chóng đẩy lùi đợt lây nhiễm COVID-19 mới nhất nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế ở Việt Nam.