(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng 7% năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thiệt hại do bão Yagi có thể làm giảm 0,15% GDP của Việt Nam trong năm nay. Gần 1 tuần sau bão, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh đang được đẩy mạnh nhằm nhanh chóng bắt kịp tiến độ sản xuất, phấn đấu tăng trưởng 7% năm 2024.
Chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão Yagi, sáng qua (15/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng 7% năm 2024.
Các địa phương khôi phục sản xuất, kinh doanh
Ngay sau khi bão Yagi đi qua, Hải Phòng đã ưu tiên cấp điện, nước, mạng viễn thông trở lại cho các khu công nghiệp. Trên địa bàn thành phố, hiện có 14 khu công nghiệp. Đến nay, cơ bản tất cả các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất bình thường. Điện, nước, mạng viễn thông được thành phố ưu tiên cấp lại cho các khu công nghiệp. Công nhân, người lao động trở lại làm việc trong điều kiện an toàn.
Tại Công ty TNHH OKI Việt Nam ở khu công nghiệp Tràng Duệ, 100% công nhân trở lại làm việc, công ty cũng đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ cho công nhân, lao động để họ yên tâm sản xuất.
Khoảng 90% doanh nghiệp tại Hải Phòng hoạt động trở lại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong khi đó, ông Pan Xing Hua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Global Material Handling, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng, cho biết ngay sau khi cơn bão đi qua, doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào thống kê, đánh giá thiệt hại và phối hợp với các đơn vị để khắc phục, sớm đưa nhà máy vào sản xuất: "Ngay trong sáng 9/9, tất cả các nhà thầu đã đến hiện trường đánh giá thiệt hại, trong đó đưa ra tiến độ thực hiện khắc phục. Còn tại nhà máy, chúng tôi cũng đã mua những tấm bạt để che chắn các thiết bị và máy móc. Sáng 9/9, khu công nghiệp cũng đã khôi phục cấp điện cho nhà máy. Chúng tôi kiểm tra điện của thiết bị và tiến hành thổi khô, sấy khô sau đó hoạt động trở lại."
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết: "Thông điệp của lãnh đạo thành phố Hải Phòng là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để đi vào sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp làm thế nào sớm nhất ổn định sản xuất, để đảm bảo cho chuỗi cung ứng được thông suốt."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Quảng Ninh, sau những ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi, chính quyền thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cùng các doanh nghiệp và người dân đã nhanh chóng khôi phục lại hoạt động du lịch để đón khách trở lại. Lực lượng chức năng đã tiến hành dọn dẹp cây cối đổ, xử lý ngập lụt trên các tuyến đường và gia cố các công trình hư hỏng. Các điểm du lịch, bến tàu và khu vực ven biển cũng được làm sạch nhanh chóng, giúp Hạ Long sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch trở lại từ ngày 13/9. Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội tàu du lịch Hạ Long cho biết: "Hoạt động kinh doanh tàu du lịch đã quay trở lại. Một số tàu cũng bị ảnh hưởng về các thiết bị đang đầu tư sửa chữa khẩn cấp. Mấy ngày vừa rồi, các chủ doanh nghiệp cũng chủ động khắc phục, đảm bảo về trang thiết bị, thẩm mỹ và an toàn tuyệt đối cho du khách."
Các bộ, ngành nỗ lực
Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại đã khôi phục vận hành được hơn 1.500 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng bão. Dự kiến công tác sửa chữa sẽ được hoàn thành trong 1 vài ngày tới.
Riêng tại Quảng Ninh, hơn một tuần qua, ngoài 1.000 lao động của điện lực Quảng Ninh, có thêm khoảng 1.500 người lao động đến từ các đơn vị trong ngành điện, của quân đội và các ngành khác tham gia hỗ trợ khắc phục lưới điện. Ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết:
"Quyết tâm của ngành điện rất cao để cố gắng phục hồi sớm lưới điện, cấp điện trở lại cho tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi cố gắng đến khoảng ngày 20/9, cơ bản cấp lại được điện cho phục vụ sản xuất cũng như tiêu dùng trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh."
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi….cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Các ngân hàng cũng cần mạnh dạn cho vay mới để doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá: "Tôi đánh giá rất cao động thái chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì chính sách đó và có thêm khoản tín dụng mới để người dân có thể thay thế trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có thời gian vừa đủ để người dân tái sản xuất sinh lời, có điều kiện để trả nợ. Nếu Nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này và có thể duy trì tốt đà tăng trưởng trong thời gian tới".
26 tỉnh, thành phố phía Bắc của Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua. Những thiệt hại về người và của do mưa bão gây ra rất nặng nề. Việc các địa phương, bộ, ngành bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng năm 2024.