Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trên mọi mặt trận

(VOV5) - Cuộc đối đầu trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đến công nghệ cao, an ninh, cách xử lý dịch Covid-19..., giữa Mỹ và Trung Quốc, đang diễn ra hết sức gay gắt. 

Tuần qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Chính phủ nước này đã yêu cầu 4 hãng truyền thông Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc trong vòng 7 ngày phải nộp văn bản báo cáo tình hình nhân sự và hoạt động tài chính của các hãng tại Trung Quốc. Động thái này nhằm đáp trả việc Mỹ áp đặt hạn chế lên các cơ quan thông tấn Trung Quốc hồi tháng trước, đồng thời đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai nước trong một loạt vấn đề khác nhau. 

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trên mọi mặt trận - ảnh 1 Hãng tin AP nằm trong số các hãng truyền thông Mỹ bị kiểm soát chặt tại Trung Quốc.
(Ảnh: AP)

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 7 tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: các hãng tin AP, UPI, CBS và NPR phải báo cáo thông tin chi tiết về nhân viên, hoạt động tài chính và các bất động sản đang sở hữu tại Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hành động này là nhằm đáp trả việc Mỹ gây sức ép với các tổ chức truyền thông Trung Quốc. Trước đó, ngày 22/6 vừa qua, Mỹ đã công bố quyết định thay đổi quy chế đối với 4 hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 4 hãng truyền thông của Trung Quốc, gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu và hãng tin China News Service (CNS), vào nhóm các phái bộ ngoại giao nước ngoài, thay vì là những cơ quan thường trú truyền thông tại Mỹ. Theo đó, 4 hãng truyền thông trên của Trung Quốc sẽ phải báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin chi tiết về nhân sự và các giao dịch bất động sản ở Mỹ.

Cuộc chiến nhằm vào các cơ quan truyền thông

Trên thực tế, căng thẳng liên quan đến vấn đề này bắt đầu từ ngày 18/2/2020 khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 5 cơ quan thông tấn, báo chí của Trung Quốc bao gồm hãng tin Tân Hoa Xã, Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGNT), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), Trung Quốc nhật báo (China Daily) và Nhân dân nhật báo, vào danh mục “các phái bộ nước ngoài”. Tiếp đó, ngày 13/3, Mỹ yêu cầu 5 cơ quan truyền thông trên phải giảm số lượng phóng viên thường trú tại Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người. Đến đầu tháng 5, Mỹ tiếp tục ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trên mọi mặt trận - ảnh 2  Máy bay ném bom chiến lược B-52 từ Mỹ bay tới diễn tập cùng các máy bay của 2 tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan ngày 5/7/2020. (Ảnh: Dongfang)

Để trả đũa, Trung Quốc cũng tuyên bố từ ngày 18/3 trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, đồng thời yêu cầu các chi nhánh của 3 cơ quan báo chí này cùng tạp chí Time và đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tiến hành các biện pháp đối đẳng đối với các phóng viên Mỹ giống như Mỹ đã thực hiện với phóng viên Trung Quốc trong các vấn đề thủ tục xin visa, thủ tục hành chính, hoạt động tác nghiệp phỏng vấn…

Đối đầu toàn diện trên mọi mặt trận

Tuy nhiên, không chỉ có căng thẳng liên quan đến các cơ quan truyền thông, Mỹ và Trung Quốc còn đang đối đầu gay gắt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2019, hai cường quốc lao vào một cuộc chiến thương mại khốc liệt. Cuộc chiến này chỉ tạm lắng xuống hồi đầu năm nay khi hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thế nhưng, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã một lần nữa thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai nước. Bắc Kinh và Washington liên tiếp đưa ra các cáo buộc lẫn nhau liên quan tới dịch bệnh như nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, vấn đề cấm bay thương mại hay cách thức phản ứng của Trung Quốc trước sự bùng phát ban đầu của dịch bệnh hồi cuối năm 2019…Trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đã thông tin chậm trễ về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 giai đoạn đầu, khiến thế giới phải “trả giả rất đắt”, trong khi Trung Quốc một mực bác bỏ.

Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ tiếp tục bổ sung các biện pháp mới nhằm vào Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Cụ thể, giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei. Tiếp đến, ngày 30/6, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã chặn không cho hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE nhận trợ cấp từ một quỹ của chính phủ trong một nỗ lực nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty này với thị trường Mỹ.

Liên quan đến vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6/2020, Mỹ đã lập tức xáo bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong từ ngày 1/7/2020. Theo đó, Mỹ hạn chế sinh viên từ Trung Quốc, đảo ngược quy chế đặc biệt về hải quan và các lĩnh vực khác đối với Hong Kong, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong. Đáp lại, nhiều nguồn tin nói rằng Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quốc doanh ngừng mua hàng của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký giữa hai bên.

Có thể thấy rằng, cuộc đối đầu trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đến công nghệ cao, an ninh, cách xử lý dịch Covid-19..., giữa Mỹ và Trung Quốc, đang diễn ra hết sức gay gắt, phản ánh bản chất khốc liệt của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu chưa thể đoán định hồi kết giữa hai cường quốc và cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác