(VOV5)- Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi chính thức được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ đầu tuần này và sẽ kéo dài trong 3 tháng. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự nhằm xây dựng bộ luật này trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 710 điều. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật bao gồm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; thời hiệu về thừa kế; các hình thức sở hữu...
Bộ luật cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Bộ luật dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội. Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ. Bộ luật dân sự (sửa đổi) có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Bộ Luật dân sự là bộ luật quan trọng bậc nhất trong hệ thống pháp luật nhà nước Việt Nam. Bởi vì sau khi có Hiến pháp thì tất cả quyền của người dân về sở hữu, nhân thân được thể hiện ở trong Bộ Luật dân sự trong tất cả các quyền lợi người dân thực sự và có thiết thực nhất đến đời sống từng người dân, từng tổ chức pháp nhân đều phải được thể hiện trong Bộ luật dân sự. Do đó, Bộ Luật dân sự là bộ luật cơ bản nhất. Việc sửa đổi Bộ Luật dân sự cho phù hợp với Hiến pháp là rất đúng và chúng tôi hoan nghênh chủ trương đó.
Bổ sung nhiều điểm mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trong 10 vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến nhân dân có quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu… Đây là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong lần sửa đổi này, Bộ luật dân sự cần thể hiện được 2 quan điểm quan trọng đó là phải thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ các chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm. Thứ 2 là phải thực sự trở thành bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng việc kế thừa, phát huy các quy định có tính truyền thống mang bản sắc riêng và hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam, tham khảo xây dựng bộ luật dân sự của các nước trên thế giới, bảo đảm cho Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, đồng thời mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trên tinh thần đó, phần chung tại Dự thảo sửa đổi thay vì quy định phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... như trong Bộ luật hiện hành, Dự thảo Bộ luật lại lấy tính chất bình đẳng của các chủ thể dân sự làm tiêu chí xác định phạm vi điều chỉnh; cụ thể hóa thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, dự thảo bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Về quyền nhân thân, Dự thảo quy định quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân đồng thời bổ sung một số quyền mới như quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống. Để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013, dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi quy định cá nhân, pháp nhân yêu cầu Tòa án giải quyết vụ trong thời hạn luật định; hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết như quy định hiện hành, Tòa án vẫn phải thụ lý. Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ phân tích: Nhà nước lưu ý đặc biệt đến quyền thực sự của người dân, nó phù hợp với quyền dân sự mà Hiến pháp 2013 đã sửa đổi. Hiến pháp 2013 đưa quyền và nghĩa vụ của người công dân lên Chương 2 là chương quan trọng thì Luật về dân sự lần này, Nhà nước đặc biệt chú ý đảm bảo quyền nghĩa vụ công dân. Người công dân ngoài quyền về chính trị, quyền được bầu cử, quyền tham gia các tổ chức nhà nước, giám sát cơ quan nhà nước thì quyền sở hữu là quan trọng nhất.
Nội dung của 2 chế định được coi là nòng cốt của Bộ luật dân sự đó là tài sản và quyền sở hữu; nghĩa vụ dân sự và hợp đồng cũng có thêm điểm mới. Riêng về tài sản, để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, dự thảo Bộ luật bổ sung quy định tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Các thông tin về tài sản đã đăng ký phải được công khai. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự.
Bộ luật dân sự là bộ luật lớn, cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc sửa đổi hơn 200 điều của Bộ luật là việc làm rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như theo kịp quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.