Tăng cường các hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu hội nhập

(VOV5) - Năm 2016 hứa hẹn tạo những dấu mốc mới cho ngoại giao Việt Nam.


Năm 2016, tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện, ngoại giao Việt Nam phát huy những thành tựu đạt được, đồng hành cùng đất nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, thúc đẩy và gìn giữ hòa bình ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Năm 2016 hứa hẹn tạo những dấu mốc mới cho ngoại giao Việt Nam.

 

Tăng cường các hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu hội nhập - ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Quang Hòa


Tình hình thế giới và khu vực đang không ngừng biến động, đưa đến nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. 3 nhiệm vụ của ngoại giao quan trọng nhất của giai đoạn hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ chế độ. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó, năm 2016, công tác ngoại giao nỗ lực đổi mới, thích ứng với một thế giới đang không ngừng thay đổi.

2015, năm thành công của ngoại giao Việt Nam

Năm 2015 các hoạt động ngoại giao sôi động và hiệu quả trên tất cả các kênh, đã góp phần củng cố quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Năm 2015, ngoại giao Đảng đã ghi dấu ấn bằng các chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Cùng với đó, Việt Nam cũng đón tiếp lãnh đạo của nhiều nước lớn. Năm 2015 cũng là năm thành công của kinh tế đối ngoại Việt Nam khi Việt Nam ký kết hoặc kết thúc đàm phán với 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu. Cùng với đó, nggoại giao văn hóa 2015 góp phần quảng bá hình ảnh và truyền thống văn hóa Việt Nam, nâng cao sự hiểu biết, yêu mến của bạn bè quốc tế.

Nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức


Năm 2016 là năm đầu tiên Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành và đi vào thực hiện, đồng thời cũng là năm hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương mà Việt Nam ký kết có hiệu lực. Thách thức và cơ hội luôn đan xen và có tính chuyển hóa lẫn nhau. Làm sao để định vị đất nước có lợi nhất trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và trên thế giới là trăn trở đêm ngày của những người làm công tác đối ngoại. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chúng ta tiếp tục chủ trương tăng cường, thúc đẩy quan hệ chính trị tạo cơ sở tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vận động các nguồn vốn ODA về Việt Nam cũng như thúc đẩy các nước mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoại giao hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác, hướng doanh nghiệp và người dân đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào thực hiện trong năm nay.


Tăng cường các hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu hội nhập - ảnh 2


Có thể thấy chúng ta đang sống trong một thế giới có hòa bình, nhưng không hề yên bình. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các nhân tố bất ổn, thậm chí nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều. Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, các nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước nổi lên ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, đối ngoại tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền, trong đó không ai khác chính là đối ngoại nhân dân phát huy ưu thế của mình. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cho rằng: Trong tình hình mới, trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta đã trở lại một cuộc vận động quốc tế ở một tình hình mới bằng việc chia sẻ thông tin đối với bạn bè quốc tế. Trước mỗi sự kiện ở biển Đông, chúng ta đều nhận được sự ủng hộ rất tích cực, tiếng nói mạnh mẽ của nhiều tổ chức, cá nhân mà điều này thực sự đã trở thành sức ép quốc tế. Lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc phải luôn luôn đặt lên trước hết. Độc lập tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích có tính chất sống còn và cốt lõi của đất nước.

Linh hoạt, sáng tạo, nâng cao vị thế đất nước


20 năm sau ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, cùng 9 nước thành viên khác, Việt Nam đã ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN từ ngày 31/12/2015. Đây là thắng lợi lớn của nhân dân các nước Đông Nam Á, quyết tâm sát cánh bên nhau vì một tương lai tươi sáng của hơn 600 triệu dân khu vực này. Với Việt Nam, ASEAN luôn có vị trí quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại. Việt Nam luôn bày tỏ thiện chí và mong muốn đóng góp nhiều hơn trong ASEAN, vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng khẳng định: Đối ngoại tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia, xây dựng, phát triển đồng hành cùng với cộng đồng ASEAN. Một mặt tích cực tham gia cùng các tổ chức nhân dân cho quá trình phát triển của cộng đồng này, đấu tranh với các quan niệm, ý đồ của các thế lực xấu có âm mưu chia rẽ các nước ASEAN, chia rẽ nhân dân các nước trong khu  vực này. Mặt khác truyền bá thông tin cộng đồng cho người dân trong nước, cho doanh nghiệp, tất cả các tầng lớp nhân dân, các giới, để mỗi bộ, ban, ngành, mỗi con người chuẩn bị tinh thần tham gia một cách xứng đáng nhất vào cộng đồng ASEAN.


Năm 2016, ngoại giao Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, tiếp tục hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Đối ngoại sẽ không chỉ góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, mà còn quyết tâm khẳng định hình ảnh một Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác