Tăng cường quan hệ Việt Nam-Đan Mạch sau hơn 4 thập kỷ phát triển bền vững

(VOV5) - Hôm nay, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Helle Thorning Schimidt tiến hành một loạt hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tuy diễn ra chỉ trong thời gian ngắn 2 ngày nhưng chuyến thăm của bà Thủ tướng Helle Thorning Schimidt là dấu hiệu rõ rệt cho thấy mối quan hệ song phương giữa Đan Mạch và Việt Nam đã và đang được củng cố vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Đan Mạch sau hơn 4 thập kỷ phát triển bền vững - ảnh 1


Cảng container quốc tế Cái Mép-một trong các dự án liên doanh tiêu biểu của Đan Mạch tại Việt Nam


Với lịch trình dày đặc trong 2 ngày ở thăm Việt Nam, ngoài các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt còn hiện diện tại các cuộc hội thảo hợp tác đầu tư kinh doanh và chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại giữa các công ty của Việt Nam và Đan Mạch. Trước thềm chuyến thăm này, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen đã khẳng định sự hiện diện của Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt tại các hoạt động này thể hiện sự ủng hộ của cá nhân Thủ tướng và của chính phủ Đan Mạch trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt cũng chính thức giới thiệu và phát động Chiến dịch tăng trưởng tại Việt Nam nhằm tiến những bước mới đến một thỏa thuận hợp tác toàn diện sẽ được ký kết tại Copenhagen vào năm tới.

Nhìn lại hơn 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể thấy, Việt Nam luôn là quốc gia ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đan Mạch. Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ tháng 11/1971, quốc gia Bắc Âu này trở thành 1 trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không chỉ ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, giai đoạn hiện nay, Đan Mạch cũng tích cực ủng hộ Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế.

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen, Việt Nam hiện nằm trong danh sách 10 thị trường đang nổi mà các nhà lãnh đạo Đan Mạch và cộng đồng doanh nghiệp nước này hết sức quan tâm. Theo số liệu thống kê năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Đan Mạch đạt trên 400 triệu USD, tăng đáng kể so với con số hơn 300 triệu USD của năm 2010. Về đầu tư, Đan Mạch đứng thứ 25 trong tổng số 93 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), với tổng vốn đăng ký trên 620 triệu USD, Hiện có hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Đối với một quốc gia có dân số ít như Đan Mạch thì con số này là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp Đan Mạch mới đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và còn nhiều lĩnh vực khác chưa được khai thác hết tiềm năng. Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho rằng: Tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp VN và Đan Mạch là rất lớn. Tôi nói tiềm năng hợp tác lớn là cũng do VN cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực. Đó là thị trường lao động dồi dào, trẻ, nhân công thấp…, đây là lợi thế lớn. Trên thực tế, các công ty của Đan Mạch có thể mang đến thị trường Việt Nam công nghệ mới, bí quyết công nghệ, các hỗ trợ hoạt động về đào tạo và cung cấp máy móc.


Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, điều mà các nhà lãnh đạo hai nước đều khẳng định và chia sẻ mối quan tâm chung là làm sao đưa quan hệ Việt Nam-Đan Mạch sang một giai đoạn mới. Việt Nam và Đan Mạch phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn nữa. Việt Nam cần tận dụng mọi thế mạnh để thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư 1 trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới và Đan Mạch cũng cần khai thác mọi lợi thế từ thị trường rộng lớn hơn 86 triệu dân của Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Về vấn đề này, Đại sứ John Nielsen chia sẻ: Tôi cho rằng các doanh nghiệp VN nên tập trung vào đầu tư công nghệ bởi các doanh nghiệp của Đan Mạch rất mạnh về mảng này. Đan Mạch có thể giúp cho VN đẩy mạnh những thương hiệu của mình thông qua giới thiệu những thương hiệu mới và thúc đẩy những thương hiệu nội địa tại thị trường VN. Ngoài ra, những doanh nghiệp của Đan Mạch có thể giúp doanh nghiệp VN nâng cao tính cạnh tranh của mình để có thể có những sản phẩm chất lượng tốt hơn.


Không chỉ trong lĩnh vực thương mại đầu tư, năm 2012 và những năm tiếp theo, hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện các dự án liên quan đến nguồn vốn ODA mà Đan Mạch đã hỗ trợ cho Việt Nam. Tính đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và môi trường, xóa đói giảm nghèo. Dù hiện nay, Việt Nam đã trở thành một nước có mức thu nhập trung bình nhưng Đan Mạch cam kết vẫn tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam đến hết năm 2015, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang, đây là sự đánh giá cao của Đan Mạch đối với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam: Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam hết sức quan tâm đến chương trình, sự giúp đỡ của Đan Mạch. Về những nguồn lực của Đan Mạch, phải nói rằng, chúng ta đã sử dụng rất có hiệu quả, qua đó tạo cho bạn có một niềm tin rất lớn đối với chúng ta, khẳng định quyết tâm của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu.


Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp trong suốt hơn 40 năm qua, chuyến thăm của Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đến Việt Nam lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác