Tăng cường quan hệ Việt Nam-Kazakhstan

(VOV5) - Hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan trong 2 ngày 10 và 11/9/2012. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.


Tăng cường quan hệ Việt Nam-Kazakhstan - ảnh 1

Một góc Thủ đô Astana-Kazakhstan

Nằm ở khu vực Trung Á, Kazakhstan là một trong 15 nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô-Viết trước đây. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1991, Kazakhstan chuyển nhanh sang kinh tế thị trường, tích cực hội nhập kinh tế thế giới, các biện pháp cải cách kinh tế của Chính phủ và quá trình tư nhân hóa diễn ra nhanh chóng đã đem lại kết quả to lớn trong phát triển kinh tế. Kazakhstan hiện đang tiến hành chính sách công nghiệp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Từ năm 2000, kinh tế Kazakhstan bắt đầu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong 10 năm gần đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Kazakhstan tăng 3,5 lần và kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng 3 lần, đưa nước này vào danh sách sáu nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc. Năm 2010, GDP của Kazakhstan tăng 7% và GDP năm 2011 tăng 7,5%. Kazakhstan có trữ lượng dầu mỏ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, riêng vùng biển Caspi của Kazakhstan có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu.

Kazakhstan tham gia Liên minh thuế quan với Nga, Belarus vào tháng 7/2010 và tiến tới xây dựng Không gian kinh tế thống nhất giữa ba nước vào năm 2012, cho phép tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động phù hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô của cả 3 nước. Kazakhstan thực hiện chính sách thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Năm 2010 Kazakhstan thu hút khoảng 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay Kazakhstan có hơn 19 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ 137 quốc gia đang hoạt động tại nước này.

Việt Nam và Kazakhstan có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Kể từ đó đến nay, tiếp nối mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước thuộc Liên bang Xô-Viết trước đây, quan hệ chính trị của hai bên không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên duy trì trao đổi cấp cao, các cuộc tiếp xúc song phương. Đến nay, Việt Nam và Kazakhstan đã ký nhiều hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, ngoại giao, giáo dục, đầu tư, lao động, năng lượng... Hợp tác kinh tế - thương mại đang có chiều hướng phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương tăng nhẹ, tuy nhiên còn ít so với tiềm năng của hai nước, năm 2011 đạt khoảng 49 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2012 kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 41 triệu USD. Tại khóa họp thứ 5 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật diễn ra tháng 9/2011, hai bên đã ký kết Kế hoạch hành động chung Việt Nam – Kazakhstan giai đoạn 2011-2013 nhằm đẩy mạnh hợp tác. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2011 của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định Việt Nam và Kazakhstan đang đứng trước những cơ hội to lớn để củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Hai bên bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư của nhau vào các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, ngành khai khoáng, sản xuất hàng dệt may và giày dép; thành lập liên doanh chế biến cao su, rau quả, thủy hải sản, chăn nuôi, đóng gói chè, cà phê Việt Nam tại Kazakhstan.

Không chỉ trên lĩnh vực hợp tác song phương, Việt Nam và Kazakhstan còn phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế. Kazakhstan ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Hai nước cam kết ủng hộ nhau ứng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và công nhận nhau là nước có nền kinh tế thị trường. Là nước sáng lập Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Kazakhstan tích cực hỗ trợ Việt Nam gia nhập CICA vào tháng 6-2010. Việt Nam ủng hộ Kazakhstan trở thành thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tham gia Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam chia sẻ nguyện vọng của Kazakhstan tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và sẵn sàng làm cầu nối phát triển quan hệ ASEAN – Kazakhstan; nhất trí khởi động nghiên cứu đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan ; thành lập Nhóm công tác nghiên cứu, hỗ trợ đàm phán FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan.

Trên cơ sở mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp đó, chuyến thăm Cộng hòa Kazakhstan của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này khẳng định mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, nông – công nghiệp, khoa học – giáo dục giữa hai nước, đồng thời là dịp để vận động lãnh đạo Kazakhstan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án dầu khí tại Kazakhstan. Chuyến thăm cũng là sự kiện có ý nghĩa đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác