Thách thức lớn chờ đợi các lãnh đạo mới châu Âu

(VOV5) - Nguy cơ tụt hậu kinh tế, suy giảm năng lực cạnh tranh so với Mỹ và Trung Quốc cũng là cảnh báo ngày càng khiến các lãnh đạo châu Âu lo ngại. 

Ban lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU), hôm 01/12, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới. Theo giới quan sát, trong 5 năm tới các lãnh đạo mới của khối sẽ phải giải quyết những thách thức được coi là lớn nhất mà EU phải đối mặt từ khi khối này ra đời, từ an ninh, địa chính trị đến kinh tế.

Nghị viện châu Âu hôm 27/11 chính thức bỏ phiếu thông qua các đề cử với các chức danh lãnh đạo quan trọng nhất của EU, gồm: Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen; Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Antonio Costa và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Kaja Kallas. Các lãnh đạo mới của EU bắt đầu nhiệm kỳ mới từ 01/12.

Thách thức lớn chờ đợi các lãnh đạo mới châu Âu - ảnh 1Ảnh minh họa: Nhiều thách thức đang chờ đợi Nghị viện châu Âu mới.
Ảnh: AFP/TTXVN

Bài toán khó Ukraine

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức (01/12), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Antonio Costa và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Kaja Kallas, đã thực hiện chuyến đi đến Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky. Hai nhà lãnh đạo mới của EU tuyên bố chuyến đi thể hiện cam kết của EU ủng hộ Ukraine đến cùng, trong bối cảnh cuộc xung đột tại quốc gia này đã vượt quá cột mốc 1.000 ngày, gây ra các hậu quả nặng nề về kinh tế, nhân mạng và cơ sở hạ tầng cho Ukraine. Chuyến đi cũng cho thấy xung đột tại Ukraine sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề lớn nhất, chi phối mọi chính sách của EU cũng như nhiều quốc gia thành viên của khối trong thời gian tới. Tiếp sau ông Antonio Costa và bà Kaja Kallas, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 02/12 cũng đến Kiev, mang theo cam kết viện trợ quân sự mới trị giá gần 700 triệu USD cho Ukraine.

Theo giới quan sát, bài toán Ukraine đang ngày càng trở nên hóc búa với EU bởi với việc ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, gánh nặng xử lý cuộc xung đột có thể sẽ dồn hết lên vai châu Âu. Trước đó, ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn ngay lập tức chấm dứt tại Ukraine, đồng thời yêu cầu châu Âu phải có trách nhiệm lớn hơn trong vấn đề Ukraine.

Bà Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh), nhận định: “Mối quan ngại có tính sống còn với châu Âu là những gì xảy ra với Ukraine, với an ninh châu Âu, với cam kết của Mỹ với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO. Ukraine là biểu tượng cho việc liệu nước Mỹ có đến hỗ trợ một cách thực chất, mạnh mẽ cho châu Âu khi xảy ra biến cố hay không?”

Không chỉ bất an về chính sách Ukraine của chính quyền mới tại Mỹ, thách thức lớn hơn với châu Âu còn nằm ở việc liệu châu Âu có đủ quyết tâm chính trị và huy động đủ tiềm lực kinh tế để đảm trách vai trò hỗ trợ chính cho Ukraine hay không. Theo giới quan sát, việc bà Kaja Kallas, một người có quan điểm rất cứng rắn với Nga và ủng hộ tuyệt đối Ukraine, được chọn vào cương vị đứng đầu về ngoại giao và an ninh cho thấy EU sẽ không dễ chấp nhận sức ép từ phía ông Donald Trump trong vấn đề Ukraine.

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc, ông Jan Lipavsky cho rằng kể cả ông Donald Trump không gây áp lực, cũng đã đến lúc châu Âu đảm nhiệm vai trò lớn hơn: “Tôi nghĩ châu Âu cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn, kể cả khi ông Donald Trump không ép. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó bởi có thể có các kịch bản mà Ukraine phải dựa nhiều hơn vào sự giúp đỡ của châu Âu”.

Châu Âu trên hết

Với ban lãnh đạo mới của EU, xung đột Ukraine chỉ là một trong số những thách thức với khối này. Nguy cơ tụt hậu kinh tế, suy giảm năng lực cạnh tranh so với Mỹ và Trung Quốc cũng là cảnh báo ngày càng khiến các lãnh đạo châu Âu lo ngại. Trong báo cáo về tương lai cạnh tranh châu Âu, công bố hồi tháng 9, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi cảnh báo châu Âu đang ngày càng bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua kinh tế với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, và có nguy cơ trở thành nạn nhân trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Để tránh nguy cơ đó, báo cáo đề xuất châu Âu triển khai “Kế hoạch Marshall 2.0”, chi 800 tỷ euro mỗi năm để đầu tư cho công nghệ, năng lượng, quốc phòng.

Phát biểu hôm 27/11, ngay khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn nhiệm kỳ 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã thông báo chiến lược “La bàn cạnh tranh”, xem đây là trọng tâm hành động của EU nhiệm kỳ mới. Một nhóm hành động cũng được thành lập nhằm biến các nội dung trong báo cáo của ông Mario Draghi thành các đề xuất chính sách cụ thể cho EU trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đồng thời là cựu Ngoại trưởng Pháp, ông Stephane Sejourne, nhận thức mới này chính là phiên bản “Châu Âu trên hết”, giúp EU tạo đối trọng với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump hay sự vượt trội về thương mại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giải quyết thách thức cạnh tranh với nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump ra sao không phải là việc đơn giản. Các quan chức hàng đầu châu Âu hiện nay đều hết sức lo ngại việc ông Donald Trump sẽ sử dụng thuế quan như một loại vũ khí nhằm giành lợi thế thương mại trước các đồng minh, giống như lời đe dọa áp thuế 25% với Mexico và Canada mà ông Donald Trump đưa ra tuần trước. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump cũng đã áp thuế với các sản phẩm nhôm, thép của châu Âu để buộc châu Âu nhượng bộ.

Ủy viên phụ trách Kinh tế của Ủy ban châu Âu, ông Paolo Gentiloni, nhận định: “Việc nước Mỹ có khả năng quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ trong chính sách thương mại sẽ gây hại rất lớn cho cả kinh tế Mỹ lẫn kinh tế châu Âu. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ làm việc với chính quyền mới tại Mỹ để thúc đẩy một nghị trình liên Đại Tây Dương vững mạnh, đồng thời đảm bảo rằng các kênh thương mại quốc tế vẫn rộng mở và an toàn”.

Tuy nhiên, khác với thái độ e ngại và lo sợ vốn chiếm ưu thế trước đây, hiện nay nhiều quan chức châu Âu và các quốc gia thành viên EU có quan điểm cứng rắn hơn với ông Donald Trump. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, thị trường châu Âu cũng rất quan trọng với Mỹ và chính quyền Mỹ cần hiểu rõ điều đó. Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng kêu gọi châu Âu đoàn kết nếu Mỹ gây chiến thương mại, đồng thời cảnh báo rằng các cách tiếp cận rụt rè trong quan hệ với Mỹ sẽ chỉ làm hại cho chính châu Âu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác