(VOV5) - Nếu cuộc cách mạng này được thực hiện nhanh, gọn, khoa học và hiệu quả sẽ phục vụ rất tốt cho đại hội Đảng các cấp thời gian tới.
Vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước. Kết luận của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11 vừa qua và những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây xác định rõ đây là 1 cuộc cách mạng, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.
Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25/11. Ảnh TTXVN |
Gần 20 năm qua, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhất là từ năm 2017, khi có Nghị quyết 18 của Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đúng thời điểm
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (25/11), Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trong quý I năm 2025.
Theo chủ trương của Đảng, trong quá trình chuyển từ quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia, Nhà nước có vai trò trụ cột, cốt lõi, bên cạnh đó là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Để phát huy tổng hợp các nguồn lực tập trung cho phát triển đất nước, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lúc này là cần thiết và đúng thời điểm.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25/11. Ảnh: VOV |
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo…Đây là điều kiện kiện thuận lợi để hiện đại hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của chế độ công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong phục vụ Nhân dân, phát triển đất nước.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được triển khai khi năm tới, năm 2025, đại hội Đảng các cấp sẽ được tổ chức. Nếu cuộc cách mạng này được thực hiện nhanh, gọn, khoa học và hiệu quả sẽ phục vụ rất tốt cho đại hội Đảng các cấp thời gian tới. Việc lựa chọn đúng nhân sự tham gia cơ cấu cấp ủy sẽ bảo đảm sự ổn định, tính bền vững trong 1 thời gian dài, ít nhất là một nhiệm kỳ.
Cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy
Gọi là cuộc cách mạng vì nó thể hiện việc tinh gọn bộ máy tổ chức được thực hiện một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, được thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Các ban ngành Trung ương gương mẫu làm từ trên xuống dưới. Việc triển khai thực hiện được tiến hành ngay và luôn, theo đúng tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nói là “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ đơn thuần là tổng kết mà còn tiếp tục thực hiện tinh gọn về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18. Ngay trong chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải thống nhất về tư tưởng, với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phải đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy không trì hoãn nhưng phải đảm bảo thấu đáo, thận trọng, cẩn thận. Phải có một cái nhìn khoa học, tổng thể và đặt yêu cầu trong bối cảnh hiện nay để thiết kế cơ cấu tổ chức phù hợp.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nhận xét: "Trung ương đã lập Ban Chỉ đạo về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 18; Chính phủ, Quốc hội cũng đều đã lập các ban chỉ đạo. Đây là những minh chứng thể hiện rõ nét nhất về nhận thức, tư tưởng cho đến các chỉ đạo, bảo đảm tính hành động quyết liệt, không kéo dài thời gian, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay."
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đóng một vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới, hướng tới những mục tiêu phát triển lớn hơn của Việt Nam.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy lần này là sự nhận thức đầy đủ, khách quan theo quy luật phát triển chung của xã hội, sẽ mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia.