Thành quả của công tác cán bộ trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII

(VOV5) - Các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết Đại hội XIII.

Đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII có dấu ấn nổi bật của công tác cán bộ. Từ thực tiễn hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Thành quả của công tác cán bộ trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII - ảnh 1Ảnh minh họa: Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Chinhphu.vn

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết Đại hội XIII.

Công tác cán bộ đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế xã hội

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã gương mẫu, đi đầu trong hệ thống chính trị về việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống khi tiên phong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phù hợp theo yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Tính đến giữa năm 2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Ông Hà Văn Tựng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: “Lực lượng công an chính quy về xã hơn 3 năm rồi. Các đồng chí có trách nhiệm, bám nắm địa bàn, thường xuyên gắn bó với nhân dân tuần tra, kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực. Đây là hiệu quả của Đề án Nhà nước đưa công an chính quy về cơ sở, được quần chúng nhân dân tin tưởng, đánh giá cao”.

Ở góc độ địa phương, công tác cán bộ đã đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Hậu Giang.Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hậu Giang đã ban hành 274 quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, trong đó điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 46 cán bộ; chuẩn y 11 cán bộ; chỉ định 28 cán bộ; phê duyệt quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch 04 cán bộ; cử 73 cán bộ đi học tập, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước.

Ông Lư Xuân Sơn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết công tác cán bộ được Hậu Giang xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín ngang tầm nhiệm vụ: “Chúng tôi tham mưu để tỉnh bố trí, qui hoạch cán bộ trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản nhằm chọn lựa được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm, có quyết tâm, có khát vọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Qua thời gian triển khai các Đề án, Qui định về công tác cán bộ,  đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, đặc biệt là nâng cao được nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, công chức. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực thi công vụ đã xác định được nhiệm vụ của mình, thể hiện được sự quyết tâm, quyết liệt năng động, sáng tạo, qua đó tạo được sự  đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Đảng tiếp tục hoàn thiện các thể chế về công tác cán bộ        

Trong nửa nhiệm kỳ qua, việc hoàn thiện thể chế trong công tác cán bộ là một trong những điểm nổi bật, theo đó Đảng cộng sản Việt Nam kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đang đặt ra. Điển hình là Quy định số 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, quy định số 69 về kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm; Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trước đó là Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Triển khai Kết luận này, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: “Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo chủ yếu tập trung làm rõ được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Về phạm vi điều chỉnh, chúng ta quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình bảo vệ. Thứ nhất, về đối tượng áp dụng thì rất rộng. Thứ hai là phải làm rõ được nguyên tắc của quy định bảo vệ cán bộ. Thứ ba là phải làm rõ được quy trình thực hiện việc bảo vệ, khuyến khích bảo vệ”.

Công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, với thực tiễn sinh động ở Bộ Công an và tỉnh Hậu Giang, đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước thời gian qua.

Từ những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, hướng tới đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài, để xây dựng và phát triển đất nước. Những bước chuyển mạnh mẽ trong công tác cán bộ nửa nhiệm kỳ của Đảng là đầy sức thuyết phục, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng đang được Đảng dẫn dắt, hướng tới một đất nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác