Thế giới đối mặt với những thách thức trong vấn đề nhân đạo

(VOV5) - Ngày 19/08 hàng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) chọn là Ngày Nhân đạo thế giới, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các vấn đề nhân đạo toàn cầu. 

Năm nay, Ngày Nhân đạo thế giới đến trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nhân đạo nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua.

Trong báo cáo “Tổng quan Nhân đạo toàn cầu” (GHO), công bố hôm 26/06, Liên hợp quốc nhận định nửa đầu năm nay những cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, vệ sinh, nước sạch tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh khốn cùng.

Điểm nóng Gaza và Sudan

Cuộc xung đột tại dải Gaza và cuộc nội chiến tại Sudan tiếp tục là 2 điểm nóng nhân đạo nhức nhối nhất trên toàn cầu trong thời gian qua.

Thế giới đối mặt với những thách thức trong vấn đề nhân đạo - ảnh 1Người dân tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Tại dải Gaza, số liệu thống kê do các cơ quan nhân đạo của LHQ hoạt động trên thực địa cung cấp cho thấy sau gần 1 năm xung đột bùng phát, đã có trên 40.000 người Palestine tại Gaza thiệt mạng, trong đó khoảng 2/3 là dân thường, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Bất chấp các biện hộ từ nhiều phía, mức độ bạo lực của xung đột tại Gaza đang vượt qua tất cả những xung đột khác trên thế giới trong 3 thập kỷ trở lại đây.

Không chỉ gây sốc bởi con số thương vong quá lớn đối với thường dân cả hai phía trong thời gian ngắn, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở dải Gaza còn tạo ra nhiều thảm cảnh nhân đạo khác.

Kể từ khi xung đột nổ ra tháng 10 năm ngoái, khoảng 90% trong tổng số 2,3 triệu dân Gaza đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 80% cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, nước sạch, bị phá hủy, đẩy hàng triệu người dân vào những điều kiện sống khó khăn. Tại thời điểm hiện nay, dải Gaza còn đang chứng kiến sự lây lan của virus gây bệnh bại liệt, đe dọa sinh mạng của hàng trăm ngàn trẻ em.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres, cho biết: “Gaza đang trong tình trạng rơi tự do về mặt nhân đạo. Khi tình hình tưởng như không thể tồi tệ hơn nữa cho người Palestine tại Gaza thì sự đau khổ lại gia tăng. Trong những tuần gần đây, virus gây bại liệt được phát hiện trong các mẫu nước ở Khan Younis và Deir Al-Balah và sự lây lan của virus này đang khiến hàng trăm ngàn trẻ em tại Gaza phải đối mặt rủi ro”.

Trong lời kêu gọi đưa ra hôm 17/08, Liên hợp quốc cho biết nếu các bên không tạm thời ngừng bắn để Liên hợp quốc triển khai chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp, khoảng 640.000 trẻ em dưới 10 tuổi tại Gaza sẽ bị đe dọa tính mạng bởi virus bại liệt.

Cùng với Gaza, khủng hoảng nhân đạo tại Sudan cũng đang vượt qua tất cả những lằn ranh đỏ mà các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc đặt ra. Cuộc nội chiến nổ ra từ tháng 04 năm ngoái giữa các lực lượng vũ trang tại Sudan đã buộc hơn 10 triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn, làm tê liệt 80% số cơ sở y tế, đồng thời tạo ra nạn đói lớn nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại.

Leni Kinzli, người phát ngôn của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Sudan, cảnh báo: “Đây đang là nạn đói lớn nhất thế giới: 25,6 triệu người đang trong nạn đói hoặc phải đối mặt với nạn đói cùng cực. Con số này tương đương 54% dân số Sudan”.

Trong một số liệu khác công bố hôm 19/08, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết ít nhất 77 triệu trẻ em, tương đương 1/3 số trẻ em ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) bị suy dinh dưỡng ở một dạng nào đó.

Hành động vì nhân loại

Bên cạnh những thảm cảnh nhân đạo gây ra cho hàng triệu thường dân trên thế giới, một trong những điểm đáng chú ý trong các xung đột gần đây là việc ngày càng có nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo của các tổ chức bị sát hại khi tham gia vào các hoạt động cứu trợ tại các khu vực gặp khủng hoảng.

Theo số liệu của LHQ, trong năm ngoái có 280 nhân viên cứu trợ nhân đạo bị sát hại tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là con số thương vong lớn nhất trong lịch sử với các nhân viên cứu trợ nhân đạo và cao gấp 2 lần con số bình quân của 20 năm qua. Tuy nhiên, với xu hướng bạo lực gia tăng thời gian qua, con số nhân viên nhân đạo thiệt mạng trong năm nay đã vượt quá cả năm ngoái, chỉ tính riêng trong xung đột tại dải Gaza.

Ben Majekodunmi, người phụ trách Văn phòng Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), cho biết: “Đã có ít nhất 298 nhân viên nhân đạo từ các tổ chức phi chính phủ Palestine và quốc tế cũng như từ LHQ bị sát hại. Trong đó, có ít nhất 209 nhân viên LHQ, thuộc các cơ quan như UNRWA, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Phát triển LHQ hay Cơ quan Liên hợp quốc về an ninh và an toàn (UNDSS)”

Không chỉ bị đe dọa về tính mạng, các nhân viên và các tổ chức nhân đạo cũng đang ngày càng phải hoạt động trong tình trạng khó khăn hơn về cơ sở vật chất và điều kiện tài chính. Trong báo cáo GHO, Liên hợp quốc cho biết trong năm nay các cơ quan nhân đạo của LHQ và các đối tác cần ít nhất 48,65 tỷ USD để trợ giúp cho hơn 186 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7, số tiền mà các cơ quan này nhận được chỉ ở mức trên 12 tỷ USD, tương đương 25% mục tiêu đặt ra và ít hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước thực trạng này, trong Ngày Nhân đạo thế giới năm nay, LHQ đưa ra chiến dịch mang tên “Hành động vì nhân loại”, với thông điệp trọng tâm là lên án việc bình thường hóa các cuộc tấn công vào thường dân, bao gồm cả các nhân viên nhân đạo, đồng thời đòi hỏi việc gia tăng trừng phạt đối với các hành động này, dựa trên các quy định của Luật nhân đạo quốc tế.
Theo Liên hợp quốc, các xung đột gần đây ở Gaza, Sudan hay nhiều nơi khác trên thế giới đang thể hiện xu hướng đáng lo ngại về việc các bên tham gia xung đột coi thường các chuẩn mực nhân đạo quốc tế và thế giới cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn xu hướng này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác