Thế giới tìm kiếm lối ra trong đại dịch

(VOV5) - Mỗi quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm lối ra, coi chống suy thoái kinh tế cấp bách không kém chống dịch, đảm bảo trụ vững khi “cơn sóng thần” đại dịch đi qua.

Dịch Covid-19 đã lan ra phạm vi toàn cầu với mức độ nghiêm trọng, gây ra sự xáo trộn về kinh tế và an sinh xã hội chưa từng có trong lịch sử thế giới, khiến các quốc gia, dù hùng mạnh nhất, cũng phải lao đao. Lúc này, mỗi quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm lối ra, coi chống suy thoái kinh tế cấp bách không kém chống dịch, đảm bảo trụ vững khi “cơn sóng thần” đại dịch đi qua.

Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), giao dịch thương mại toàn cầu năm 2020 dự báo giảm từ 13% đến 32%. Khoảng nửa tỷ người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói. Thế giới đang đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất, được đánh giá là nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. Để đối phó với đại dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn đã đưa ra nhiều biện pháp "giải cứu", tăng sức "đề kháng" để tránh nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.

Thế giới tìm kiếm lối ra trong đại dịch - ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu. (Nguồn: fxstreet) 

Chống suy thoái kinh tế- nhiệm vụ cấp bách

Hạn chế tác động tiêu cực của dịch về kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế lớn. Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)  đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ euro ( tương đương 130 tỷ USD) hỗ trợ các nền kinh tế khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) huy động ít nhất 37 tỷ euro (tương đương 41 tỷ USD) để chống dịch bệnh.

Nền kinh tế số một châu Âu là Ðức cũng tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, hỗ trợ 550 tỷ euro ( tương đương 597 tỷ USD) cho các công ty mới khởi nghiệp. Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cắt giảm thuế để giúp khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ người dân trả tiền thuê nhà, tiền nợ thế chấp đúng hạn, hay trang trải các chi phí y tế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là chuẩn bị một gói kích thích quy mô khoảng 1.000 tỷ USD, nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ Covid-19.Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong vòng 15 ngày đầu tháng 3/2020 đã hai lần hạ lãi suất khẩn cấp xuống mực thấp nhất để ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nước này.Trung Quốc đã tung ra các biện pháp mới để vực dậy "sức khỏe" cho nền kinh tế số 2 thế giới bằng việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16/3.

Thế giới tìm kiếm lối ra trong đại dịch - ảnh 2Lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cơ bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. (ảnh: Reuteurs) 

Ðộng thái này giúp khơi thông 78,6 tỷ USD từ các khoản dự trữ dài hạn để giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để "bơm" vào nền kinh tế. Tại các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các biện pháp "giải cứu" nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái cũng được lên kế hoạch. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hối thúc nước này triển khai các biện pháp "chưa từng có" để ứng phó những hậu quả kinh tế của dịch.Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm đề xuất tạm thời cắt giảm thuế tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế. Ở góc độ toàn cầu, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB) cũng tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ, tiếp sức gồm các khoản vay ưu đãi cho các nền kinh tế, đặc biệt là những quốc gia thành viên dễ bị tổn thương.

Đoàn kết trong cuộc chiến sinh tử

 Hiện cả thế giới không ngừng nỗ lực vượt qua khủng hoảng, vừa chống dịch vừa tìm tòi những cơ hội mới để bảo đảm phát triển kinh tế. Đồng tình về việc dịch bệnh gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Covid-19 song hành với nhiều thay đổi mang tính tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, thay vì lệ thuộc vào “công xưởng” Trung Quốc, các quốc gia cần chuyển sang đa dạng nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ.

Dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nhưng cũng thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều ý tưởng, mô hình kinh doanh mới. Thêm vào đó, khi thói quen mua sắm từ xa của người tiêu dùng trong giai đoạn đại dịch cũng sẽ bảo đảm sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm tới, biến điều này thành động lực tăng trưởng kinh tế đối với nhiều quốc gia...

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, lối thoát duy nhất là cùng “chung một chiến hào”. Trước sức tàn phá của đại dịch, các quốc gia cần đoàn kết lại. Bên cạnh xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia, cần có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, toàn cầu. Các quốc gia cũng cùng nhau chia sẻ các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng, sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương khi dịch đi qua.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác