(VOV5) - Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ), Antonio Guterres nhận định thế giới đang ở thời điểm chia rẽ nhất trong vòng 75 năm qua, tạo ra các rủi ro nghiêm trọng cho nền hòa bình thế giới.
Ngày 01/09 năm nay, thế giới kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-2024), cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm nền hòa bình trên thế giới đối mặt với các thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (MSC) hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ), Antonio Guterres nhận định thế giới đang ở thời điểm chia rẽ nhất trong vòng 75 năm qua, tạo ra các rủi ro nghiêm trọng cho nền hòa bình thế giới.
Nguy cơ xung đột gia tăng
Hơn 5 tháng sau nhận định của người đứng đầu thiết chế đa phương quan trọng nhất hành tinh, bức tranh về hòa bình và an ninh quốc tế không khởi sắc hơn. 2 cuộc xung đột lớn nhất tại Ukraine và dải Gaza tiếp tục kéo dài với những diễn biến leo thang nguy hiểm và triển vọng bế tắc về ngoại giao. Đặc biệt, cuộc xung đột Israel-Hamas tại dải Gaza đang lan rộng ra khu vực. Các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa Israel với Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon trong vài tháng qua đang từng bước vượt qua những “lằn ranh đỏ” mà các bên ngầm định trong nhiều năm qua, có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến toàn diện tại khu vực Trung Đông. Tại châu Phi, cuộc nội chiến tại Sudan kéo dài từ tháng 4 năm ngoái đang biến quốc gia này thành điểm nóng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới, với khoảng 54% trong tổng số dân trên 50 triệu của Sudan đang rơi vào nạn đói và hơn 10 triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn. Các nguy cơ xung đột khác cũng đang gia tăng tại Tây Phi và khu vực Sahel, với sự trỗi dậy của các nhánh thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hay tại Đông Bắc Á, khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp.
Hội nghị An ninh Munich. Nguồn: securityconference |
Trước bối cảnh ngày càng xấu đi của môi trường an ninh quốc tế, hôm 21/08, Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức một cuộc họp cấp cao để thảo luận việc xây dựng Nghị trình mới về ngăn ngừa các xung đột khu vực và quốc gia. Elizabeth Spehar, Trợ lý TTK LHQ, thuộc Vụ các vấn đề chính trị và kiến tạo hòa bình, nhận định: “Hòa bình là mục đích nền tảng của LHQ. Kiến tạo và gìn giữ hòa bình là trọng tâm trong công việc của HĐBA và LHQ, nhưng số vụ xung đột trên thế giới đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ, gây ra các nỗi đau không thể tưởng tượng nổi, phá hủy các nền kinh tế và cướp đi tương lai của các cộng đồng”.
Bất chấp các chỉ trích và hoài nghi về năng lực của LHQ và HĐBA trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế trong nhiều năm qua, tổ chức này vẫn giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và thực thi các cơ chế đảm bảo hòa bình. Tại Trung Đông, trước nguy cơ xung đột Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon leo thang thành cuộc chiến tổng lực, hôm 28/08, HĐBA LHQ đã quyết định gia hạn nhiệm vụ của Lực lượng tạm quyền của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) thêm 1 năm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo về những chính sách mới của LHQ tại New York, Mỹ, ngày 20/7/2023. Nguồn: THX/TTXVN |
Đây là quyết định hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên HĐBA LHQ, trong đó có các quốc gia đang có mâu thuẫn trong HĐBA, đặc biệt là các thành viên thường trực có quyền phủ quyết (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc). Theo Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyanskiy, UNIFIL đóng vai trò trọng yếu vào thời điểm này trong việc ngăn các bên tại Israel và Lebanon không vượt qua giới hạn tại Đường Xanh (Blue Line), là ranh giới phân định giữa Lebanon với Israel và cao nguyên Golan theo Nghị quyết của LHQ vào năm 2000.
Thách thức về nguồn lực
Các nỗ lực của LHQ nhằm duy trì môi trường hòa bình trên thế giới gặp nhiều thách thức. Một mặt, sự quay trở lại của các hình thái cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, giống như giai đoạn Chiến tranh Lạnh, làm xói mòn trật tự thế giới cũ, làm suy giảm hiệu quả của nhiều cơ chế cũ. Mặt khác, các cơ quan của LHQ cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Hiện tại, LHQ đang duy trì 11 sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, với tổng cộng 70.000 binh lính, cảnh sát, nhân viên dân sự và nguồn kinh phí 5,59 tỷ USD cho năm tài khóa 2023-2024. Số tiền này ít hơn 700 triệu USD so với năm tài khóa trước đó và được cho là không đủ cho yêu cầu gìn giữ hòa bình, bởi chỉ riêng 3 sứ mệnh hòa bình tại châu Phi (Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo) đã chiếm hơn 50% nguồn kinh phí này. Sự thiếu hụt nguồn lực tài chính buộc LHQ phải cắt giảm 1 số sứ mệnh chính trị đặc biệt. Tuy nhiên, hôm 08/08, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), bà Sima Bahous, cảnh báo quyết định này đang phá hủy nhiều thành quả hòa bình đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt tại châu Phi.“Chúng tôi khuyến nghị HĐBA quan tâm đầy đủ hơn đến vấn đề tài chính. Vai trò của Quỹ Kiến tạo hòa bình cũng như việc hợp tác tốt hơn với các thiết chế tài chính là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, tất cả việc cắt giảm đều phải đi kèm với kế hoạch làm sao phân bổ nguồn lực hợp lý cho việc gìn giữ hòa bình và an ninh, bảo toàn được những thành quả đã đạt được”.
Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ, Dmitry Polyansky. Nguồn: AP
|
Theo giới quan sát, thách thức lớn về tài chính đối với LHQ sẽ không sớm được giải quyết bởi cuộc khủng hoảng này đã kéo dài nhiều năm và trong năm ngoái, ngân sách hoạt động của LHQ thâm hụt tới 800 triệu USD. Michael Moller, nguyên Phó TTK LHQ, nhận định thế giới hiện nay đang trong quá trình chia rẽ, phân mảnh, nhiều quốc gia tự tìm cách giải quyết các vấn đề theo cách riêng, đồng thời vai trò của LHQ, đặc biệt về mặt chính trị, ngày càng bị đánh giá thấp. Vì thế, nhiều quốc gia thành viên LHQ, trong đó có những cường quốc hàng đầu, cắt giảm hoặc trì hoãn đóng góp tài chính hàng năm cho LHQ, khiến các sứ mệnh duy trì hòa bình của LHQ ngày càng khó khăn hơn