Thế giới và vấn đề phòng, chống khủng bố

(VOV5) - Bối cảnh xung đột lan rộng hiện nay ở Trung Đông, cùng các bất ổn chính trị tại một số quốc gia châu Phi, khiến các nỗ lực ngăn chặn nguy cơ này khó khăn hơn.
 Kể từ năm 2015, ngày 21/08 hàng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) lựa chọn là Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Trong các thông điệp đưa ra trong dịp này, LHQ nhấn mạnh đến việc chữa lành tổn thương tâm lý cho các nạn nhân, đồng thời cảnh báo chủ nghĩa khủng bố đang có dấu hiệu trỗi dậy tại nhiều khu vực trên thế giới.

Chủ đề của Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố năm nay được LHQ lựa chọn là “Những tiếng nói vì hòa bình: Nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố với tư cách là người ủng hộ và giáo dục hòa bình”.

Thế giới và vấn đề phòng, chống khủng bố - ảnh 1Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Viện bảo tàng và đài tưởng niệm quốc gia ở New York (Mỹ) ngày 10/9/2021 (giờ địa phương). Ảnh minh họa: THX/TTXVN

  Lắng nghe các nạn nhân

Trong thông điệp gửi đi trong ngày 21/08, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres nhấn mạnh việc LHQ lựa chọn chủ đề “Các tiếng nói của hòa bình” năm nay là nhằm đảm bảo rằng các nạn nhân và những người sống sót trong các vụ khủng bố luôn được lắng nghe và không bao giờ bị lãng quên. Theo LHQ, hầu hết các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố là thường dân, vì thế, cuộc sống của người sống sót sau khủng bố hoặc người thân của họ bị hủy hoại theo cách không thể sửa chữa được. Nhiều người là nạn nhân của các vụ khủng bố trong những năm qua hiện vẫn đang phải sống trong các tổn thương tinh thần thường trực. Tại Mỹ, gần 23 năm sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa Tháp đôi tại New York, (11/09/2001) hàng nghìn người đến nay vẫn chưa hết ám ảnh, thậm chí vẫn phải điều trị rối loạn tâm lý sau sang chấn.

Thế giới và vấn đề phòng, chống khủng bố - ảnh 2 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tại châu Âu, vụ khủng bố nhằm vào các đoàn tàu hỏa tháng 3/2004 ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) khiến 193 người thiệt mạng và gần 2000 người bị thương đến nay vẫn để lại những vết thương không thể lành.

Hồi tháng 3 vừa qua, nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại trên đất châu Âu, nhiều hiệp hội và gia đình các nạn nhân đã yêu cầu chính quyền đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các công trình tưởng niệm và công tác lưu giữ tư liệu, ký ức của các nạn nhân, đồng thời sửa đổi một số quy định của luật pháp (gia tăng hình phạt đối với khủng bố) nhằm đem lại công lý lâu dài cho những nạn nhân đã thiệt mạng và những người còn sống sót.

Tại Pháp, hồi tháng 5 vừa qua, cái chết do tự sát của họa sĩ Fred Dewilde, một nạn nhân sống sót trong vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris tháng 11/2015, gây chấn động dư luận. Trong nhiều tuyên bố trước đó, Fred Dewilde nhiều lần cho biết không thể chịu đựng nổi các nỗi đau thể xác và tinh thần sau vụ tấn công khủng bố, dù ông đã dồn hết tâm sức sáng tác được 4 cuốn truyện tranh lưu lại ký ức vụ khủng bố Bataclan. Trước Fred Dewilde, cũng đã có 2 nạn nhân khác của vụ khủng bố Bataclan tự sát vì tổn thương tâm lý.

Thế giới và vấn đề phòng, chống khủng bố - ảnh 3Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov.
Ảnh: UN

Theo Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, đa số nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố còn sống phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục hoặc phải làm quen với những mất mát và nhiều người vẫn chịu sang chấn thần kinh dai dẳng. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần lắng nghe “tiếng nói hòa bình” của những nạn nhân này, đồng thời cần trao cho họ sứ mệnh là những người vận động và giáo dục hòa bình một cách nhiệt thành nhất, qua đó giúp các thế hệ tương lai hiểu rõ tác động thảm họa của chủ nghĩa khủng bố: “Các hành động khủng bố tạo ra các nỗi đau không thể tưởng tượng nổi. Các gia đình và cộng đồng bị phá hủy bởi các hành động khủng bố sau đó sẽ vĩnh viễn thay đổi. Vì thế, soi chiếu vào chính các tổn thương cá nhân để từ đó giáo dục người khác là một hành động vô cùng dũng cảm. Do đó, đây là dịp thúc giục chúng ta lắng nghe và học hỏi”.

Các mối đe dọa mới

Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố cũng là dịp để cộng đồng quốc tế nhìn nhận lại các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới vào thời điểm này.

Theo báo cáo Chỉ số Khủng bố toàn cầu (GTI) năm nay, chủ nghĩa khủng bố hiện vẫn là một trong những một đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất. Trong năm ngoái, đã có 8.352 người thiệt mạng vì chủ nghĩa khủng bố, tăng 22% so với năm 2022 và là năm gây thiệt hại sinh mạng cao nhất kể từ năm 2017. Điều đáng ngại hơn, theo LHQ, là mức độ tàn khốc của các vụ tấn công khủng bố cũng gia tăng.

Cụ thể, số nạn nhân thiệt mạng trung bình trong các vụ khủng bố năm ngoái tăng 56% so với trước đó và là tỷ lệ cao nhất trong vòng 10 năm qua. Xu hướng đáng ngại này tiếp tục được thể hiện rõ trong nửa đầu năm nay, với các vụ khủng bố đẫm máu ở Iran hồi tháng 1 (95 người thiệt mạng, gần 300 người bị thương) và Nga hồi tháng 3 (145 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương).

Trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng bảo an LHQ hôm 08/08, LHQ cũng lên tiếng cảnh báo về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố là chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đặc biệt tại khu vực Tây Phi và khu vực Sahel. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chống khủng bố, ông Vladimir Voronkov, cảnh báo: “Tình hình khủng bố tại khu vực Tây Phi và Sahel vẫn hết sức phức tạp và nhiều thách thức. Các nhóm khủng bố tiếp tục mở rộng tại Sahel và gây ra các thiệt hại lớn, làm xói mòn ổn định khu vực. Hai nhánh của IS ở khu vực đã mở rộng và củng cố địa bàn hoạt động. Nếu các nhóm này mở rộng ảnh hưởng đến các quốc gia ven biển Bắc Phi thì một vùng lãnh thổ rộng lớn, từ Mali đến Bắc Nigeria, có thể rơi vào quyền kiểm soát thực tế của các nhóm này”.

Theo các chuyên gia an ninh, các diễn biến gần đây ở khu vực Tây Phi và Sahel có nguy cơ làm sống lại kịch bản IS chiếm lĩnh các vùng lãnh thổ như cách đây 1 thập kỷ ở Syria và miền Bắc Iraq, tạo ra mối đe dọa an ninh thường trực với khu vực. Bối cảnh xung đột lan rộng hiện nay ở Trung Đông, cùng các bất ổn chính trị tại một số quốc gia châu Phi, khiến các nỗ lực ngăn chặn nguy cơ này khó khăn hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác