(VOV5) - Không thể phủ nhận ý nghĩa lịch sử của thoả thuận hạt nhân tạm thời vừa đạt được giữa nhóm P5+1 với Iran hồi cuối tuần qua sau gần 1 thập kỷ. Tuy nhiên đây mới chỉ là thoả thuận tạm thời. Để đi tới một thoả thuận hạt nhân toàn diện, các bên cần phải vượt qua nhiều thách thức và không ít chông gai, đòi hỏi cả Iran và nhóm P5+1 cùng phải nỗ lực để theo đuổi giải pháp hoà bình.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận vẫn còn nhiều trở ngại trong việc đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran. Ảnh: BBC |
Theo thoả thuận đạt được sáng 24/11, tại Geneve, Iran và nhóm P5+1 nhất trí Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong 6 tháng, vô hiệu hóa kho urani đã làm giàu ở mức 20%, ngừng vận hành lò phản ứng nước nặng Arak. Đổi lại, các nước phương Tây sẽ chấm dứt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran trị giá 8 tỷ USD và sẽ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nào.
Hiệu ứng tức thì
Một ngày sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thoả thuận mang tính lịch sử, Ngoại trưởng Pháp Laurrent Fabius thông báo kể từ tháng 12/2013, Liên minh châu Âu sẽ giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt Iran. Cùng ngày, người phát ngôn chính phủ Iran Mohammad Baqer Nobakht xác nhận chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ phong tỏa tài sản trị giá 8 tỷ USD của Iran. Trên đà này, giới quan sát nhận định nhiều khả năng quốc tế sẽ tháo gỡ các biện pháp cấm vận dầu hoả Iran. Đây là điều khiến dầu thô trên thị trường châu Á và châu Âu trong phiên giao dịch ngày 25/11 giảm giá.Trên thị trường chứng khoán Iran, đồng Rial đã lên giá so với đồng USD. Cổ phần của các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi cấm vận như ngành hoá dầu và công nghiệp tự động tăng giá nhanh nhất.
Thách thức hiện hữu
Song song với sự vui mừng về kết quả đàm phán, các bên trong cuộc cũng hiểu rõ những thách thức do chủ quan và khách quan sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như chính thừa nhận của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng tình hình hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, do đó các nước cần duy trì nỗ lực ngoại giao cũng như tiếp tục theo đuổi một giải pháp hòa bình cho vấn đề mang tính quốc tế này.
Thách thức đầu tiên đến từ nội bộ Iran và các nước P5+1 mà chủ yếu là Mỹ. Tổng thống Iran gặp phải sự phản đối của các nhóm theo đường lối cứng rắn như Vệ binh Cộng hoà. Trong khi tại Mỹ, thượng nghị sĩ Charles Schumer của New York, nhân vật Dân chủ thứ 3 tại Thượng viện, lập luận một thỏa thuận hợp lý hơn sẽ phải kết hợp giảm cấm vận với cắt giảm tương đương năng lực hạt nhân Iran. Một nhóm 15 nghị sỹ Quốc hội Mỹ cam kết sẽ xúc tiến kế hoạch bỏ phiếu thông qua dự luật siết chặt hơn nữa các đòn trừng phạt và cô lập Iran. Trong tuần tới họ sẽ cùng soạn thảo đề xuất để sớm nhất thông qua dự luật áp đặt thêm các đòn trừng phạt.
Đó là chưa kể đến sự thiếu niềm tin vào thiện chí của Iran của một số thành viên nhóm P5+1. Ngoại trưởng Pháp Laurrent Fabius gián tiếp cảnh báo nếu Iran không tôn trọng các điều kiện đã cam kết thì Liên minh châu Âu sẽ có quyền áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt như hiện nay.
Thách thức nữa đến từ Israel, một quốc gia đồng minh của phương Tây cho tới nay vẫn chỉ trích gay gắt tiến trình đàm phán với Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng thẳng thừng tuyên bố thoả thuận Geneve là một sai lầm lịch sử, làm cho thế giới trở thành một nơi nguy hiểm nhiều hơn. Dư luận cho rằng Israel sẽ tiếp tục phối hợp với Quốc hội Mỹ, vốn vẫn đầy hoài nghi về Iran, thúc đẩy thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran.
Nỗ lực bảo vệ thoả thuận
Trên bình diện quốc tế, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây tích cực xoa dịu quan ngại từ phía Israel. Dự kiến, các quan chức Mỹ và Israel sẽ có các chuyến thăm lẫn nhau trong vài ngày tới. Phát biểu tại Jerusalem, đại sứ Liên minh châu Âu tại Israel Lars Faaborg-Andersen khẳng định 28 nước EU luôn coi an ninh của Israel là lợi ích trọng tâm. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo Israel cần tránh bất cứ hành động nào có thể làm phương hại thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và nhóm P5+1.
Thoả thuận hạt nhân tạm thời đạt được ở Geneve đang được ca ngợi là thoả thuận lịch sử bởi đây là lần đầu tiên, một cam kết quốc tế về ngưng chương trình hạt nhân Iran được ký kết. 6 tháng tới không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để các bên có những hành động cụ thể, thiện chí nhằm đưa một thoả thuận tạm thời tới một Hiệp ước toàn diện về hạt nhân của Iran./.