Thỏa thuận hạt nhân I-ran: mong manh như ngọn đèn trước gió

(VOV5) - Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad cảnh báo, Tehran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Không ngoài dự đoán của giới phân tích, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran, còn được biết đến là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa I-ran và 6 cường quốc (nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) năm 2015, văn kiện được dư luận đặt nhiều kỳ vọng này, đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Có thể nói rằng, nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận đang trở nên nhãn tiền hơn bao giờ hết.

Thỏa thuận hạt nhân I-ran: mong manh như ngọn đèn trước gió - ảnh 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani - Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố mới đây, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad cảnh báo, Tehran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng nghĩa với việc từ bỏ mọi nghĩa vụ và ràng buộc quốc tế trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Luận giải về phát ngôn này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/11 cho biết, Iran chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song khẳng định đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau và sẽ có lựa chọn phù hợp vào từng thời điểm. Cùng ngày, Iran cũng đã bắt đầu xây dựng lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr.

Theo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, Tehran có kế hoạch làm giàu urani tới mức 4,5% tại cơ sở hạt nhân Fordow, vượt xa giới hạn 3,67% quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Trước đó, Iran cũng đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo cũng như các hành động thực tế cho thấy sự thoát ly của nước này với các cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện, sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 năm ngoái đơn phương quyết định rút Mỹ ra khỏi văn kiện và tái áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran.

Thỏa thuận hạt nhân I-ran: mong manh như ngọn đèn trước gió - ảnh 2

Bên trong cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran - Ảnh: Reuters

Theo các nguồn tin, tháng 7 vừa qua, Tehran đã "vượt rào" hạn mức 300 kg urani dự trữ. Về phần mình, Iran cũng khẳng định đã tăng sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp từ mức 450 gram/ngày, lên 5 kg/ngày. Mới đây, quốc gia Hồi giáo tuyên bố đang sở hữu hơn 500 kg urani làm giàu ở cấp độ thấp. Giới chức Iran nói rằng động thái trên nhằm "thúc ép các cường quốc châu Âu và các đối tác thương mại tìm một giải pháp toàn diện cho Iran, chứ không phải phá vỡ thỏa thuận". Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế không chỉ đơn giản như vậy. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gần đây thậm chí còn cảnh báo nước này có thể tiếp tục phá vỡ các cam kết hạt nhân vào tháng 1/2020, nếu châu Âu không có hành động thiết thực giúp Tehran xuất khẩu dầu mỏ.

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có thể nhượng bộ và các cường quốc châu Âu chưa tìm được giải pháp khả thi để cứu vãn thỏa thuận Iran, việc Tehran liên tiếp đưa ra cảnh báo cùng các bước đi thực tế để thoát ly các cam kết hạt nhân với P5+1, khiến cho Kế hoạch hành động chung toàn diện đang trở nên mong manh và dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác