(VOV5) - Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, ngoại giao đa phương của Việt Nam tiếp tục chủ động, linh hoạt, tham gia định hình “luật chơi” và nguyên tắc của thể chế đa phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế sáng 3/8 tại Hà Nội, sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thật tốt đường lối chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về đường lối đối ngoại. Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ Việt Nam kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu - Ảnh: VOV |
Từ sau Đại hội XIII, đối ngoại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước. Đối ngoại Việt Nam không ngừng mở rộng, ghi dấu ấn trên cả bình diện song phương và đa phương.
Kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, thực hiện ngoại giao thời đại mới
Phát huy những thành quả đối ngoại đã đạt được và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại, huy động cao nhất sức mạnh của thời đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm từ xa, thực hiện thành công đường lối đổi mới.
Tại họp báo quốc tế sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: "Chúng tôi tiếp tục tổ chức thực hiện tốt, phát huy thành quả của công tác đối ngoại đã đạt được trong thời gian vừa qua. Tinh thần là phải giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong hoạt động đối ngoại. Lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết, luôn luôn phải được bảo vệ, tôn trọng. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, những đối tác chiến lược toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác, đi vào chiều sâu, thực chất, không ngừng củng cố tin cậy chính trị, củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình, tạo thuận lợi cao nhất cho sự phát triển của đất nước".
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, ngoại giao đa phương của Việt Nam tiếp tục chủ động, linh hoạt, tham gia định hình “luật chơi” và nguyên tắc của thể chế đa phương, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người. Đây chính là truyền thống ngoại giao cần phát huy mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu: "Chúng ta cũng tăng cường đóng góp của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới; tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, trên cơ sở cốt cách của con người Việt Nam, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", hòa hiếu, "lấy chí nhân thay cường bạo". Đây là truyền thống của dân tộc Việt Nam nghìn đời nay, phải phát huy".
Duy trì thế và lực đất nước
Thời gian qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong việc củng cố các khuôn khổ quan hệ ổn định, tạo động lực thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại lớn.
Quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục được củng cố về chiều sâu, tin cậy chính trị được tăng cường, có những tiến triển mới. Quan hệ với các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được thúc đẩy.
Quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước láng giềng và các nước xã hội chủ nghĩa có bước tiến quan trọng. Quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính và các đảng có vai trò quan trọng ở các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực…, được duy trì và thúc đẩy.
Thông qua các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại cấp cao, Việt Nam đã chia sẻ với các chính đảng, đối tác quốc tế thông tin về tình hình Việt Nam, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đường lối đối ngoại, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, công tác thông tin về kinh tế đối ngoại, tuyên truyền chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia, về vấn đề Biển Đông, các vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… được triển khai trên kênh thông tin đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân. Qua đó, bạn bè quốc tế ngày càng nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về đất nước, con người Việt Nam, gia tăng ủng hộ Việt Nam.
Việc Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là cơ sở quan trọng để công tác đối ngoại tiếp tục góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển đất nước thời gian tới.