Tìm kiếm hỗ trợ quân sự - bước đi mạo hiểm của Thủ tướng Nouri al-Maliki

(VOV5) - Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đang có chuyến công du 3 ngày tới Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về quân sự trong bối cảnh Iraq chìm trong bạo lực. Liệu đây có phải là giải pháp khôn ngoan để ông Nouri al-Maliki củng cố quyền lực và đưa đất nước thoát  khỏi tình cảnh hiện nay?


Tìm kiếm hỗ trợ quân sự - bước đi mạo hiểm của Thủ tướng Nouri al-Maliki  - ảnh 1
Thủ tướng Nouri al-Maliki


Tìm kiếm một giải pháp bằng sự ủng hộ của đồng minh


Phát biểu với báo chí trước khi lên đường tới Mỹ, Thủ tướng Nouri al-Maliki khẳng định lực lượng al-Qaeda đang tiến hành một chiến dịch khủng bố chống lại nhân dân Iraq và ông không muốn nước ông biến thành căn cứ của nhóm khủng bố này. Vì vậy, các hỗ trợ quân sự của Mỹ như máy bay, vũ khí và các trang thiết bị quân sự là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và truy quét các nhóm vũ trang. Ông sẽ nêu đề xuất này trong hội đàm với Tổng thống Mỹ Barak Obama.


Tuy nhiên, ý định của ông Nouri al-Maliki đã gặp ngay phải sự phản đối của không ít nghị sỹ Mỹ. Các thượng nghị sĩ tên tuổi, trong đó có ông John McCain, Carl Levin, Robert Menendez và Lindsey Graham, đã gửi thư cho Tổng thống Barak Obama nói rằng họ hết sức lo ngại về tình hình đang xấu đi tại Iraq. Theo các thượng nghị sỹ này, chính sự lãnh đạo của ông Maliki đang gây chia rẽ dân tộc tại Iraq, góp phần làm gia tăng bạo động khi ông quá chú trọng theo đuổi kiểu lãnh đạo độc tài và mang tính phe phái, không cho người Sunni hưởng các quyền lợi, coi thường người Kurd và cô lập những người Shia muốn có một nước Iraq dân chủ. Vì vậy, việc bổ sung thiết bị quân sự cho Iraq chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa và sẽ không thể giải quyết gốc rễ của tình trạng bất ổn hiện nay tại quốc gia này.


Quả thực, tại Iraq, xung đột đẫm máu ngày càng đáng lo ngại. Theo phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq, từ đầu năm 2013 đến nay có khoảng 6.000 dân thường bị chết và 14.000 người khác bị thương do hậu quả của các vụ đánh bom xe và đánh bom tự sát tại nước này. Con số này bằng với mức kỉ lục trong giai đoạn 2006 - 2007, khi mà cuộc nội chiến tại Iraq đang ở cao trào. Trong 5 tháng qua, ngày nào tại Iraq cũng xảy ra ít nhất hai vụ tấn công gây thương vong. Bom nổ tại khắp nơi, bất kể đó là các khu chợ, thánh đường Hồi giáo hay trong lễ cưới, lễ tang ở thủ đô Baghdad hoặc ở các địa phương khác. Đáng lo ngại hơn, chính mâu thuẫn giữa chính phủ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki do người Hồi giáo dòng Shiite chiếm ưu thế và nhóm thiểu số người Sunni khiến cho nhiều người dân bắt đầu quay lại ủng hộ các nhóm vũ trang cực đoan có mối quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.


Khó đem đến sự bình ổn chính trị


Trước thực trạng trên, Chính phủ Iraq đã tiến hành các chiến dịch truy quét phiến quân trên diện rộng, tăng cường chiêu mộ tân binh để củng cố lực lượng chống các tay súng Al Qaeda, áp dụng các lệnh giới nghiêm. Song, điều này là chưa đủ. Đây chỉ là những biện pháp mang tính ngắn hạn. Để chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang, chính quyền Iraq cần có các bước đi dài hơi hơn bởi bản chất của làn sóng bạo lực hiện nay tại Iraq là những mâu thuẫn giữa các cộng đồng sắc tộc, vốn ngày càng  trầm trọng sau cuộc can thiệp chính trị của Mỹ năm 2003. Các cuộc tranh giành, phân chia quyền lực vẫn chưa ngã ngũ và chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán, thương lượng. Trong bối cảnh này, điều cần làm của Thủ tướng Nuri al-Maliki là tập trung vào việc cải thiện vị thế cho người Hồi giáo dòng Sunni cũng như tìm ra biện pháp chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo thay vì tăng cường trang bị vũ khí chiến tranh.


Bạo lực tại Iraq là do bất ổn về chính trị, mâu thuẫn quyền lợi sắc tộc. Để bình ổn tình hình chính trị  hiện nay, việc trang bị thêm vũ khí là phương thuốc nguy hiểm, chỉ khiến quốc gia Trung Đông này thêm hỗn loạn mà thôi. Như vậy, xem ra, một trong những mục đích của Thủ tướng Iraq tới Washington lần này là không thiết thực trong việc giúp Iraq thoát khỏi vòng xoáy bạo lực./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác