Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong ngành tình báo Mỹ

(VOV5) - Việc cựu nhân viên cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden mới đây tiết lộ trên báo chí chương trình do thám internet cả trong và ngoài nước của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành nhiều năm qua đã làm rung chấn nước Mỹ và gây tổn hại lớn tới chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barak Obama. Vụ việc còn tạo ra những rạn nứt giữa Mỹ với nhiều đối tác như Nga, Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong ngành tình báo Mỹ - ảnh 1
Edward Snowden - Ảnh: internet

Vụ việc bắt đầu từ ngày 6/6, khi tờ Bưu điện Washington (Mỹ) và Guadian (Anh) cùng đăng tải thông tin của Edward Snowden về việc lâu nay, chính phủ Mỹ đã bí mật thu thập một lượng lớn dữ liệu riêng tư của người dùng. Theo đó, chương trình có mật danh là PRISM nói trên đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ triển khai trong suốt 6 năm qua, thu thập thông tin trực tiếp từ máy chủ của các công ty Internet lớn để tìm kiếm các dữ liệu thư điện tử, các file video, hình ảnh, âm thanh và các tài liệu khác của người dùng. Không dừng ở đó, khi ở Hong Kong (Trung Quốc), Edward Snowden còn tiết lộ các đặc vụ Mỹ đã tấn công mạng thông tin của Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, nơi đặt 1 trong 6 máy chủ kết nối tất cả các đường truyền Internet ở Trung Quốc đại lục, và hệ thống máy chủ của trụ sở Pacnet ở Hồng Kông, tập đoàn vận hành một trong những mạng cáp quang lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Sau những tiết lộ của Edward Snowden, các quan chức an ninh chóp bu của Mỹ bao biện rằng chương trình bí mật trên đã giúp phát hiện và ngăn chặn được hơn 50 kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ và các mục tiêu của Mỹ trên thế giới kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Tổng thống Barak Obama thì kêu gọi người dân phải lựa chọn giữa tính bảo mật và an ninh quốc gia. 

 

Tuy nhiên điều khiến các cơ quan tình báo Mỹ như đang ngồi trên đống lửa là việc họ chưa biết rõ Edward Snowden hiện nắm giữ bao nhiêu tài liệu mật có mức độ nhạy cảm cao. Thậm chí, những cơ quan này còn lo sợ rằng Edward có thể đã thu thập được nhiều tài liệu hơn con số các quan chức ước tính ban đầu và mối quan hệ giữa Edward với nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange, sẽ làm tăng khả năng cựu nhân viên CIA tiếp tục phát tán các tài liệu này.

 

Trước nguy cơ trên cũng dễ hiểu vì sao Mỹ nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp để cản đường và truy bắt Edward Snowden như hủy bỏ hộ chiếu công dân Mỹ, truy nã về tội hoạt động gián điệp đồng thời yêu cầu các nước từ chối cho cựu nhân viên CIA này nhập cảnh.

 

Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như những suy tính của Chính phủ Mỹ khi nó không chỉ gây căng thẳng trong nội bộ Mỹ mà còn đang gây ra những rạn nứt trong quan hệ của Mỹ với một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, nơi mà Edward Snowden quá cảnh để xin tỵ nạn ở nước thứ 3. Cả Nga và Trung Quốc đều không bắt giữ và dẫn độ Edward Snowden theo đề nghị của Mỹ và cùng bác bỏ những cáo buộc của Mỹ cho rằng Bắc Kinh và Moscow có liên quan đến việc Edward Snowden rời khỏi Hong Kong (Trung Quốc). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nêu rõ cáo buộc của Washington về việc Chính phủ Trung Quốc đại lục có liên quan đến vụ ra đi của Snowden là vô căn cứ. Bà Hoa Xuân Doanh khẳng định việc Hong Kong (Trung Quốc) cho phép Edward rời khỏi đặc khu hành chính này mà không bắt giữ để dẫn độ về Mỹ là đúng luật và yêu cầu các bên tôn trọng quyết định của chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong. Giới quan sát cho rằng qua vụ việc này, Mỹ đã thất thế khi Trung Quốc có đủ lý do để bác lại lời cáo buộc của Chính quyền Obama về việc Trung Quốc là nguồn gốc xuất xứ của rất nhiều những vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Vụ việc cũng tiếp thêm sức nặng cho tuyên bố của Trung Quốc nói rằng họ cũng là nạn nhân của tin tặc. Không chỉ vậy, theo giới quan sát, vụ việc sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hợp tác về an ninh mạng giữa Trung Quốc và Mỹ, như Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí.

 

Với Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định nước này không liên quan đến vụ Snowden rời khỏi Hong Kong (Trung Quốc). Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, những cáo buộc nhằm đổ lỗi cho Moscow là hoàn toàn vô căn cứ và không thể chấp nhận được. Trước đó, một quan chức nhân quyền của Nga cũng đã khẳng định Mỹ không có quyền yêu cầu Nga bắt giữ hay dẫn độ nhân vật này, do Snowden không phạm tội ở Nga cũng như các nhà chức trách Nga không nhận được bất kỳ thông báo nào của Tổ chức cảnh sát chống tội phạm quốc tế (Interpol) về lệnh bắt giữ công dân Mỹ này.

 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại về mối đe dọa nghiêm trọng đối với các công dân châu Âu từ chương trình giám sát khổng lồ trên của đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương.

 

Rõ ràng, vụ tiết lộ thông tin mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã ảnh hưởng nặng nề tới hình ảnh của nước Mỹ và cho thấy Mỹ đã hành động trái ngược với những tuyên bố phê phán các nước về cái gọi là vi phạm quyền công dân./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác