Tổng thống Pháp thăm Mỹ: củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề toàn cầu

(VOV5) - Ngày 29/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài 4 ngày. 

Ngày 29/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài 4 ngày. Với vị thế Pháp là một trong những đầu tàu của châu Âu, chuyến thăm được đánh giá không chỉ giúp cải thiện quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ đang ở mức khá thấp, mà còn là bước đi quan trọng đối với tổng thể quan hệ châu Âu-Mỹ, đồng thời có thể tác động đáng kể tới nhiều vấn đề quốc tế nổi cộm.   

Theo các nhà phân tích và bình luận quốc tế, tầm quan trọng của chuyến thăm đến từ yếu tố thời điểm, đó là bối cảnh hết sức đặc biệt đối với không chỉ quan hệ hai nước, mà với cả tổng thể quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hơn thế nữa.     

Tổng thống Pháp thăm Mỹ:  củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề toàn cầu - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 1/12/2022. Ảnh: Andrew Harnik/ A

 Bối cảnh đặc biệt

Với chuyến thăm này, Tổng thống Emmanuel Macron trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Washington kể từ khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ tháng 1/2021.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hơn cả là nó diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và trạng thái quan hệ xuyên Đại Tây Dương nói chung, quan hệ Mỹ-Pháp nói riêng, chưa thực sự ổn định trở lại. Tháng 9/2021, Pháp đã phản ứng dữ dội, trong đó có việc triệu hồi Đại sứ tại Washington về nước để tham vấn, sau khi Mỹ công bố thỏa thuận bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia trong khuôn khổ liên minh AUKUS. Trong vụ việc đó, Australia đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng chục tỷ USD, để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh. Tháng 10 vừa qua, sóng gió trong quan hệ hai đồng minh lâu đời tiếp tục nổi lên khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ "tiêu chuẩn kép" với việc bán khí đốt cho châu Âu với giá cao gấp nhiều lần thị trường nội địa.

Tổng thống Pháp thăm Mỹ:  củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề toàn cầu - ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 1/12/2022. Ảnh: Ludovic Marin/AFP/ Getty Imag

Thế nhưng, trong nhiều vấn đề quốc tế đáng chú ý như xung đột Nga-Ukraine, vấn đề hạt nhân Iran, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở..., đồng minh Mỹ-Pháp nói riêng, liên minh Mỹ-châu Âu nói chung, đang chia sẻ quan điểm khá tương đồng, đồng thời triển khai nhiều hành động phối hợp và hợp tác thực tế.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ, Pháp cùng các đồng minh châu Âu đã thống nhất hành động với các đồng minh và đối tác khác áp đặt nhiều lệnh trừng phạt chống Moscow, đồng thời cung cấp nhiều khoản viện trợ lớn về tài chính, vũ khí, khí tài chiến đấu cho Ukraine. Mỹ và châu Âu cũng đang cùng nhau tham gia đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran; hợp tác với các đồng minh thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở; xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông...    

  Những nghị sự đáng chú ý

 Bối cảnh trên lý giải tại sao nghị sự hội đàm trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Pháp không chỉ tập trung vào quan hệ song phương, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, mà còn bao gồm hàng loạt vấn đề quốc tế nổi cộm. Trong đó, nghị sự hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng thống Joe Biden hôm 1/12 (giờ Mỹ), gồm có chương trình hạt nhân của Iran, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những lo ngại về an ninh và ổn định ở khu vực Sahel của Châu Phi và trọng tâm là chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trước hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Emmanuel Macron hôm 29/11 đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Tại đây, Phó Tổng thống Mỹ khẳng định Pháp là một đồng minh quan trọng của Mỹ và chuyến thăm này thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác giữa hai nước.

Tiếp đó, sau cuộc gặp tại Lầu Năm Góc hôm 30/11 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố nêu rõ "Hai bên đã đề cao tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ hợp tác song phương và đã ký Tuyên bố chung về ý định hệ thống hóa các nguyên tắc chung giữa hai bên. Hai bên cũng thảo luận về sự hỗ trợ dành cho Ukraine, tiềm lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Pháp đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình củng cố và cải thiện quan hệ song phương Mỹ-Pháp cũng như tổng thể quan hệ Mỹ-châu Âu. Hơn thế, dư luận cũng kỳ vọng chuyến thăm có thể tác động có lợi cho việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay khi Pháp nhiều lần khẳng định ưu tiên cho các nỗ lực giảm chiến sự và chấm dứt xung đột. Tuần trước, một cố vấn của Tổng thống Pháp tiết lộ rằng sau chuyến thăm Mỹ lần này, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ sớm có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thúc đẩy hướng đi trên.    

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác