Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017

(VOV5) - Năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tăng trưởng kinh tế 6,7%, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ những ngày đầu năm 2017, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể.
 

Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 - ảnh 1                                                              


3 chỉ tiêu quan trọng nhất năm 2017 là tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu trên thông qua triển khai các nhiệm vụ trong quý I năm 2017. Các bộ, ngành, địa phương cũng nêu cụ thể nhiều giải pháp sẽ triển khai. Những hành động này thể hiện rõ chủ trương Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ nhân dân. 

Quyết tâm của Chính phủ

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, (28 - 29/12/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 30 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai năm 2017. Những nội dung này thể hiện rất rõ quyết tâm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và của cả nền kinh tế; bảo đảm an toàn nợ công, phát động toàn xã hội, nhất là các cơ quan sử dụng ngân sách thực hành tiết kiệm. 

Cùng với 30 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng đưa ra,  Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị quyết số 01 về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; tiếp đó là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh nhưng phải bền vững... Trong tổng số 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà dự thảo Nghị quyết đề cập, có một số nội dung Chính phủ yêu cầu phải được triển khai ngay trong quý I năm 2017. Phó thủ tướng cho biết: "Trong quý I, Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo cuối cùng với Thủ tướng đề án chống USD hóa và vàng hóa và có đề án huy động hiệu quả vàng, USD cho phục vụ kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả dự toán ngân sách 2017 và kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tinh thần là trong qúy I tất cả các đề án cơ cấu lại 3 lĩnh vực(cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng) phải được trình Chính phủ và cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện".   

Cũng trong tháng 1/2017, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Đồng lòng từ các địa phương 

Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết năm 2017, Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác an sinh xã hội... Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định năm 2017, thành phố tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phấn đấu sẽ thành lập mới 50.000 doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế trong năm 2017, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết tỉnh sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ sau khi có Nghị quyết 01 của Chính phủ: "Tỉnh quyết tâm thực hiện vượt mức các mục tiêu Chính phủ giao để cùng với Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm 2017. Đối với các dự án xây nhà ở cho công nhân có diện tích trên 10ha  thì cho phép khi cần thiết quy đổi số đất 2% cho nhà ở xã hội này ra tiền để phục vụ cho các dự án nhà ở xã hội ở gần khu công nghiệp hoặc các  nhà máy".

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho biết: "Tỉnh phối hợp với các bộ, ngành thực hiện điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về cơ chế chính sách thì triển khai nhanh gói tín dụng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế tạo nguồn lực để tiến hành đầu tư nhanh ở khu đại  học Nam Cao".

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, dựa trên kết quả nổi bật thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất nước năm 2016 ( 3 tỷ USD), và là địa phương đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2017, thành phố phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở mức cao, quyết tâm tạo ra đột phá lớn: "Năm 2017, Thành phố quyết tâm đạt mức tăng trưởng từ 12,5 - 13%; thu ngân sách tại địa phương đạt 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 4 nghìn tỷ so với 2016. Thành phố cũng sẽ đầu tư và khởi công nhiều dự án quan trọng, trong đó có 17 hạng mục công trình cũng như các  dự án quan trọng khác. Để phục vụ cho phát triển kinh tế, thành phố Hải Phòng kiến nghị xây dựng thêm cầu cảng ở Cảng quốc tế cửa ngõ Hải Phòng,cho phép xây dựng thêm nhà ga số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để đáp ứng tăng trưởng hàng không".


Năm 2017, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước nhưng  sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương sẽ là động lực lớn để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Phản hồi

Các tin/bài khác