Tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận

(VOV5) - Bất cứ ai theo tôn giáo tại Việt Nam đều được tự do hành đạo, tiến hành các nghi lễ tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Tại đất nước này cũng không hề có việc phân biệt đối xử với những người có niềm tin tôn giáo. Vậy mà, vẫn có người cho rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Họ nhầm lẫn việc lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật với “quyền tự do tôn giáo”, hoặc cố tình xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam… 

Tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 1
Nghi thức thả chim bồ câu trong dịp Đại lễ Phật đản (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thống kê mới nhất cho thấy có tới 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó có hơn 24 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số, là tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Cả nước có khoảng 25 nghìn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Các con số này khẳng định rõ ràng thực tế Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng.

Những đánh giá mới nhất về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Ngay cả Hoa kỳ, quốc gia thường xuyên có đánh giá thiếu thiện chí về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, thì trong Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2013, do Bộ Ngoại giao công bố ngày 31/7/2014, cũng khẳng định Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam có những quy định rõ ràng về quyền tự do tôn giáo. Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết chính phủ Việt Nam đã cấp phép đăng ký ngày càng nhiều tổ chức tôn giáo. Việt Nam cũng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo mở rộng hoạt động từ thiện, tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ còn khẳng định là các quan chức Hoa Kỳ thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo, đồng thời có các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo với nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam.

Tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 2
Một buổi hành lễ của các tín đồ đạo Cao Đài ở Việt Nam (Ảnh: internet)

Cùng ngày 31/7/2014, trong tuyên bố báo chí sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ 21-31/7/2014, Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo, tín ngưỡng của Liên Hợp Quốc, ông Heiner Bielefeldt đã nhấn mạnh thực tế là các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được cải thiện. Ông cho biết đại diện các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam công nhận rằng họ có nhiều không gian để thực hành tôn giáo hơn trong quá khứ.

Tự do tín, ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã được khẳng định.

Trên thực tế, các hoạt động hành giáo ở Việt Nam diễn ra sôi động gắn với đời sống sinh hoạt xã hội. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì, mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, Italia, Ấn Ðộ.... Đại diện chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn như Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014 và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010... Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với Vatican kể từ năm 1989. Vì mối quan hệ tốt đẹp này, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện 20 chuyến thăm tới 60/63 tỉnh và thành phố ở Việt Nam.

Tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 3
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nếu Việt Nam hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo có thể xác lập được vị trí, phát triển ổn định và các tôn giáo ở Việt Nam có thể hội nhập toàn cầu như hiện nay?

Những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc.

Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi công dân là thực tế không thể phủ nhận. Ai đó nói rằng: Ở Việt Nam "tự do tôn giáo chỉ có trên giấy tờ" và "không có tính thực tiễn" là không có cơ sở. Cũng không thể cho rằng Việt Nam phân biệt đối xử với những người có niềm tin tôn giáo. Ðó là cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, thiếu thiện chí đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cần thấy rõ là tự do tôn giáo không thể đánh lận với một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.Pháp luật ở Việt Nam và ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đều có những điều, khoản quy định mọi công dân trong một quốc gia đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm một tội thì dù công dân đó theo hay không theo tôn giáo cũng đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. 

Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng trong chính sách tự do tôn giáo với ba nguyên tắc cơ bản: bình đẳng về tín ngưỡng; bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ (nghĩa vụ tôn giáo, nghĩa vụ công dân) và bình đẳng về luật pháp. Việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đặt hài hòa trong tương quan hài hòa với những yếu tố lịch sử - văn hóa của dân tộc, kết hợp với việc giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng sự hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Sự thật hiển nhiên này rõ ràng là không ai có thể xuyên tạc và phủ nhận./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác