Ukraine sau chính biến: những thách thức hiện hữu

(VOV5) Quốc gia Đông Âu Ukraine bắt đầu tiến hành đề cử ứng cử viên Tổng thống sau khi trải qua một loạt  chính biến cuối tuần qua. Đây là bước khởi đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới, cuộc bầu cử  được cho là một bước đi quan trọng giúp Ukraine sớm ổn định tình hình, giảm căng thẳng trong nước, xích lại gần châu Âu. Tuy nhiên, với nền kinh tế trì trệ, đặc điểm xã hội phân tán, dư luận quan ngại rằng không dễ dàng cho Ukraine đạt được mục đích trên.

Ukraine sau chính biến: những thách thức hiện hữu  - ảnh 1
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov nói chuyện với người biểu tình hôm 22/2 ( Ảnh: vtvnews)

Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandre Turchinov mới đây cam kết nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ mới là chấm dứt xung đột, khôi phục trật tự trong nước, bảo đảm hòa bình và sự bình yên, không cho phép xảy ra mâu thuẫn cục bộ và các vụ trả thù cá nhân. Ngoài ra, theo ông, cải thiện nền kinh tế và khôi phục tiến trình hội nhập châu Âu cũng là một trong những nhiệm vụ chính.

 

Nguy cơ bất ổn xã hội hiện hữu

Ngay sau khi chính biến xảy ra, hàng nghìn người Ukraine đã tuần hành tại thành phố cảng Sevastopol trong bối cảnh gia tăng lo ngại rằng quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây này có khả năng tan vỡ. Thậm chí những người biểu tình còn hô vang khẩu hiệu những kẻ phát xít đã tiếm quyền ở Kiev. Do lo ngại Sevastopol có khả năng trở thành điểm nóng của phong trào ly khai ủng hộ Moscow, một loạt nước như Mỹ, Đức, Pháp và Ba Lan đã kêu gọi Ukraine duy trì toàn vẹn đất nước.

 

Giới phân tích lo ngại rằng bất ổn ở Ukraine chưa dừng lại ở đây khi xã hội Ukraine từ lâu đã bị phân hoá rõ nét thành 2 xu hướng là: thân Nga và thân phương Tây. Trong những năm qua, dễ dàng nhận thấy sự đối nghịch giữa khu vực phía Đông thân Nga và phía Tây thân phương Tây là không thể dung hoà.

 

Chính vì vậy cho nên dù bầu cử Tổng thống có diễn ra thì cũng không một thế lực cầm quyền nào ở Ukraine nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân. Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ người của khu vực nào lên cầm quyền thì Ukraine cũng chỉ ổn định được một thời gian và tương ứng với thời kỳ không rõ ràng về đường lối đối ngoại.

 

Ngoài ra, việc Ukraine từng trải qua cuộc Cách mạng Cam mang đậm dấu ấn "dân chủ" phương Tây trước đây đã mang lại những bước phát triển không như viễn cảnh mà nhiều người dân từng mong ước. Kết quả chỉ là sự bất ổn chính trị với một chính trường chia rẽ, kinh tế rệu rã, quan hệ láng giềng rạn nứt.

 

Kinh tế: khó khăn chất chồng

Trước mắt, Kiev đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ đã cận kề. Nợ công của Ukraine trong năm 2013 đã tăng lên 13% so với năm 2012 ở mức 73,1 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo kế hoạch, đến cuối quý II năm nay, Kiev sẽ phải trả nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 3 tỷ USD. Trong bối cảnh đà thâm hụt ngân sách cũng vượt mức 8%, việc Ukraine có thể trả nợ đúng thời hạn mà không có sự trợ giúp ở bên ngoài là bất khả thi. Trong khi đó, việc lật đổ Tổng thống Yanukovych của những người biểu tình khiến khoản viện trợ 15 tỷ USD của Nga cho Ukraine tan thành mây khói.

 

Giới chức Ukarine ngày 24/2 thông báo nước này cần 35 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp từ nước ngoài và đề nghị các nhà tài trợ Phương Tây triệu tập một hội nghị quốc tế trong 2 tuần tới để thông qua một kế hoạch giải cứu tài chính cho Kiev.         

Khó khăn chồng chất khó khăn khi trong bối cảnh trên, Thủ tướng Nga Medvedev ngày hôm qua nhấn mạnh rằng mọi hoạt động gia hạn thỏa thuận khí đốt Nga - Ukraine sẽ cần phải được thương thảo giữa các công ty của Ukraine và Chính phủ nước này. Tuy nhiên Nga  không làm việc với các cá nhân hoặc những nhân vật cụ thể vì đây là vấn đề  quan hệ giữa hai nước. Rõ ràng tuyên bố của người đứng đầu nội các Nga là không có lợi cho Ukraine vì trước đó ông Medvedev khẳng định Nga nghi ngờ về tính hợp pháp của toàn bộ bộ máy cầm quyền ở Ukraine và việc một số quốc gia công nhận chính quyền Ukraine hiện nay là sai lầm.

 

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev thì cảnh báo Ukraine rằng Moscow sẽ nâng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nước này nếu Kiev ký thỏa thuận đối tác với Liên minh châu Âu (EU). Nếu điều này xảy ra sẽ gây thiệ hại không nhỏ đến nền kinh tế đang rất yếu kém của quốc gia Đông Âu này khi Nga hiện là thị trường trọng yếu đối với các hàng hóa của Ukraine.

Ukraine cũng đang lo ngại Nga sẽ tăng giá khí đốt so với mức giá 268,5 USD/1.000 m3 mà Nga đã ký với chính quyền của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Mức giá này đã giảm 1/3 so với mức mức 400 USD mà Kiev phải trả từ hồi năm 2009.

 

Trong khi đó, hy vọng về ký thoả thuận hợp tác với EU cũng phải đợi sau khi tiến hành xong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/5 tới.

 

Trong bối cảnh trên, nhiều nước phương Tây đã ra tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, trước tình hình tài chính rất xấu ở quốc gia Đông Âu này, Ukraine cần hành động cụ trợ giúp tức thì hơn là những lời hứa.

 

Rõ ràng Ukraine đang phải đối mặt với khó khăn toàn diện, cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Để giải quyết được những thách thức này là điều không dễ dàng cho bất kỳ thế lực nào lên cầm quyền tại Ukraine./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác