Vấn đề Biển Đông trên bàn nghị sự các Hội nghị lớn

(VOV5) - Tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm…càng làm gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, Biển Đông đã trở thành vấn đề nổi bật tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) 25 và các hội nghị liên quan tại Myanmar, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC) 22 tại Trung Quốc và Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Việt Nam.

 

Vấn đề Biển Đông trên bàn nghị sự các Hội nghị lớn - ảnh 1
Lãnh đạo các nước ASEAN quyết tâm xây dựng Cộng đồng, bảo đảm an ninh khu vực. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Theo chương trình, Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 17-18/11 tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực”, Hội thảo là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Trước đó, vấn đề Biển Đông đã làm nóng Hội nghị cấp cao ASEAN 25 và các hội nghị liên quan và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc tới tại Hội nghị cấp cao APEC 22.

Duy trì ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cả khu vực

Duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là một trong những nội dung chính thu hút sự quan tâm và đồng thuận cao của các nhà lãnh đạo không chỉ tại Cấp cao ASEAN mà tại cả các Hội nghị Cấp cao ASEAN +1 với các Đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Liên Hợp Quốc cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Phát biểu tại đây, cùng với việc phân tích những nguy cơ bất ổn, xung đột cục bộ gia tăng cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ảnh hưởng không nhỏ, gây quan ngại đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Chúng ta cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982…Đồng thời, đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc.

 

Trong khi đó, phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể thứ hai về 'Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế' của Hội nghị thượng đỉnh APEC 22 tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông".

 

Việt Nam thể hiện trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực

 

Cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề biển Đông tại các Hội nghị quốc tế thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Cách tiếp cận này phù hợp với lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực nên đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của lãnh đạo ASEAN và các Đối tác của ASEAN. Quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông của Việt Nam không chỉ được cụ thể hóa trong Tuyên bố của Chủ tịch Cấp cao ASEAN 25 mà nhiều nhà lãnh đạo các nước Đối tác của ASEAN như Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama, Thủ tướng Liên bang  Nga Medvedev và Thủ tướng Australia Tony Abbott, kể cả Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cũng hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN, cho biết: Trong khuôn khổ đối thoại ASEAN-Trung Quốc thì cả ASEAN và Trung Quốc cũng nhấn mạnh những nguyên tắc như tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), rồi giải quyết hòa bình các tranh chấp và tiến tới sớm có Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC). Hai bên đồng ý về nguyên tắc sẽ cùng bàn bạc với nhau để thúc đẩy thực hiện Điều 5 của DOC như thế nào, rồi sẽ bàn bạc với nhau thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình để xảy ra sự cố, trong đó có khả năng hai bên sẽ thiết lập đường dây nóng với nhau. Hai bên cũng đồng ý tiếp tục đẩy mạnh, gia tăng các cuộc họp tham vấn về xây dựng COC.         

 

Như vậy, vấn đề Biển Đông đã liên tục được đề cập tại ba Hội nghị quốc tế trong những ngày này. Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Tình hình Biển Đông càng phức tạp, cộng đồng quốc tế càng cần phải nỗ lực lớn hơn để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác