Việt Nam luôn tuân theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền

(VOV5) - Khóa họp lần thứ 22 Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc vừa khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, trong đó nêu bật những khó khăn, thách thức mà nhân loại đang đối mặt, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Biên tập viên VOV5 trích dẫn các nội dung quan trọng trong bài phát biểu này.

Việt Nam luôn tuân theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền - ảnh 1
Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp cấp cao, khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (Ảnh: internet)

Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định kể từ khi được thành lập, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động hiệu quả và đóng góp thiết thực hơn vào việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền trên thế giới, góp phần đưa nhân quyền trở thành một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, trước những thách thức ngày càng lớn, phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu về nhân quyền, Bộ trưởng Phạm Bình Minh kiến nghị, Hội đồng Nhân quyền cần tăng cường nguồn lực và hiệu quả hoạt động, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó với các thách thức nhiều mặt về nhân quyền mà dư luận đang hết sức quan tâm. Hội đồng Nhân quyền cũng cần phải thực sự là diễn đàn thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng, giữ vững các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan và không thiên vị trong mọi hoạt động. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của Hội đồng và tất cả các nước trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Bằng chứng là những năm qua, các quyền và tự do cơ bản tại Việt Nam ngày càng được tôn trọng và đảm bảo tốt hơn. Đặc biệt, với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền con người. Việt Nam là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền và đang hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật và gia nhập Công ước Chống tra tấn. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ, đã chấp thuận và đang nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trong kiểm điểm đợt I. Việt Nam cũng đã tăng cường đối thoại với các Thủ tục đặc biệt: từ tháng 7/2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 Thủ tục đặc biệt về các vấn đề thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền và quyền được chăm sóc y tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đón các Thủ tục đặc biệt về quyền giáo dục, quyền có lương thực, quyền văn hóa như đã cam kết, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét đón thêm một số Thủ tục đặc biệt khác. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, đối thoại song phương với nhiều nước về nhân quyền để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người. Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân quyền hàng năm với nhiều nước, có những đóng góp thiết thực để tăng cường hợp tác về nhân quyền trong ASEAN, đặc biệt trong quá trình thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, hậu quả chiến tranh còn nặng nề và đang trong quá trình củng cố Nhà nước pháp quyền cũng như trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nhân quyền và cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm đảm bảo các quyền cơ bản về kinh tế, xã hội cũng như dân sự, chính trị của nhân dân.

Xuất phát từ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã chính thức ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam chia sẻ nhận thức chung là các nước có năng lực đóng góp và ứng cử lần đầu vào Hội đồng Nhân quyền như Việt Nam nên được trao cơ hội. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cam kết sẽ quán triệt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền; phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác và các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc trên tinh thần đối thoại và hợp tác; đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền theo hướng minh bạch, khách quan, tiếp cận toàn diện và cân bằng tất cả các quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, xã hội, văn hóa.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng việc tôn trọng và đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của con người là khát vọng chung của nhân loại, đồng thời bày tỏ tin tưởng Khóa họp 22 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ đạt được kết quả thiết thực, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung là nhân quyền và phẩm giá cho mọi người và mỗi người trên thế giới./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác