(VOV5) - Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch và thúc đẩy bình đẳng giới.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng giới gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Việt Nam đã nỗ lực xóa bỏ tình trạng này bằng những chính sách, chủ trương hiệu quả, phù hợp đóng vai trò là “kim chỉ nam” dẫn lối cho mọi hành động trong và sau đại dịch COVID-19.
Phát động Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 - Ảnh: UN Women |
Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, ước tính đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng trong sóc gia đình, con cái khi các trường học bị đóng cửa. Các báo cáo nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện. Tại Việt Nam, tác động của đại dịch COVID-19 cũng làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ này thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ…góp phần khắc phục những khó khăn trong cuộc sống nhân dân, giúp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc huy động, tạo động lực khuyến khích người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng sáng tạo nhiều cách làm nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh phúc tạp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Điều đáng nói là việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cùng với đó, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Có thể thấy rõ điều này trong khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC tháng 9/2021, rằng: “Trước những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030 và những nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu mà APEC đề ra trong Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm”.Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, kết quả này mang tới niềm tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách và lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.
Trong diễn biến liên quan từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam chính thức có hiệu lực với cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang bảo đảm quyền đối với mọi người lao động, kể cả nữ và nam. Việc áp dụng những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới cùng các nội dung mới trong năm 2021 đã thúc đẩy và đảm bảo hơn các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm giữa nam và nữ. Cùng với Bộ luật Lao động 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đảm bảo quyền đối với lao động nữ và nam.
Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã và luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Ngày 03/3/2021, lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam.