Việt Nam với những đóng góp nổi bật tại Đối thoại Shangri-La 2019

(VOV5) - Diễn đàn phải là nơi tạo ra không khí đối thoại với trách nhiệm cộng đồng và phải kiên trì tinh thần đối tác thì mới giải quyết được các tranh chấp.

Shangri-La 2019, diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực vừa khép lại sau 3 ngày nhóm họp tại Singapore. Như thường lệ, Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương này là dịp để thể hiện quan điểm và thái độ của các bên về những vấn đề nóng bỏng hiện tại như trật tự an ninh đang biến đổi ở châu Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, an ninh biển. Một lần nữa, tại diễn đàn lần này, Việt Nam có những đóng góp tích cực, đề cao nguyên tắc hòa bình cũng như đưa ra những quan điểm rõ ràng để giải quyết tranh chấp.

Việt Nam với những đóng góp nổi bật tại Đối thoại Shangri-La 2019 - ảnh 1

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 - Ảnh: TTXVN

Có thể thấy Đối thoại Shangri-La năm nay lần đầu tiên chứng kiến sự tham gia kỷ lục của các đoàn đại biểu cấp chính phủ đến từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 28 quan chức cấp Bộ trưởng cùng các chuyên gia, học giả hàng đầu. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các nước đối với hòa bình, ổn định an ninh của khu vực.

Nhiều thách thức đa dạng đang hiện hữu

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian gần đây có thể thấy nổi lên nhiều thách thức phức tạp. Cạnh tranh diễn ra với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực. Tranh chấp hiện nay rất đa dạng, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thực tế, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc, quan hệ Mỹ-CHDCND Triều Tiên xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, những thách thức an ninh trên biển Đông…là những chủ đề “đốt nóng” bầu không khí của Đối thoại lần này. Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy tại Đối thoại năm nay là mặc dù có những phát ngôn cứng rắn song trong các phiên thảo luận, người ta đều chứng kiến các bên đều thừa nhận ngăn ngừa xung đột không chỉ có lợi cho các bên mà còn cho cả khu vực và thế giới. Đơn cử như căng thẳng Mỹ-Trung, trong phiên thảo luận chủ đề “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy  Phượng Hòa đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc và phát triển mối quan hệ quân sự mang tính xây dựng với Mỹ. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại, cải thiện quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia.

Ngoài ra, các tham luận của nhiều đại biểu tại Đối thoại Shangrila lần này đều khẳng định: việc ứng xử, hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới. Chính vì vây, phải giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình và đối thoại.

Thông điệp của Việt Nam: Đề cao tinh thần đối thoại hòa bình

Trên tinh thần đó, tham dự Diễn đàn Shangri-La 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam. Đó là Diễn đàn phải là nơi tạo ra không khí đối thoại với trách nhiệm cộng đồng và phải kiên trì tinh thần đối tác thì mới giải quyết được các tranh chấp.

Việt Nam với những đóng góp nổi bật tại Đối thoại Shangri-La 2019 - ảnh 2

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 - Ảnh: TTXVN

Thực tế, những phát biểu và đóng góp của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần này không hoàn toàn mới so với những quan điểm cơ bản của đoàn Việt Nam từ trước đến nay trước các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, Việt Nam đưa ra một công thức rất phù hợp với tình hình nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, nhất là đối với các thách thức an ninh trên Biển Đông. Đó là dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì các bên có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp trong không khí hòa bình và phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh. Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự chung tay hành động của mọi quốc gia, chứ không thể thụ động chờ đợi.

Tại cuộc Đối thoại lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng đề cập tới việc Việt Nam sẽ là chủ nhà ASEAN 2020 và riêng với quân sự quốc phòng thì có rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác. Việt Nam dự kiến sẽ có Tuyên bố chung - Tuyên bố Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng của 10 nước ASEAN, nâng cao tính đoàn kết thống nhất trong ASEAN để đối phó với các thách thức khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dự kiến đưa ra một tầm nhìn chiến lược châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hợp tác quốc phòng ASEAN mở rộng, trong đó đề cập đến tất cả các vấn đề an ninh trong 10 năm (2010-2020) cũng như cho 10 năm tới. Đây có thể coi là những bước đi cụ thể hóa, biến hợp tác trên bàn Đối thoại Shangri-La lần này thành hợp tác thực chất của khu vực trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác