(VOV5) - Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương nhất quán của các cấp lãnh đạo Việt Nam.
Phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời gian gần đây, Việt Nam tích cực phê chuẩn thềm nhiều công ước của Tổ chức lao động quốc tế, góp phần tạo nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại.
Ảnh minh họa:giaoduc
|
Việt Nam tham gia trở lại tư cách thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từ năm 1992. Từ đó đến nay, Việt Nam tích cực thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, hoàn thiện thể chế quản trị thị trường lao động…. Riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm: Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; đặc biệt là Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (1 trong 8 công ước cơ bản của ILO).
Hội nhập trong lĩnh vực lao động là tất yếu
Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương nhất quán của các cấp lãnh đạo Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện các công ước quốc tế về lao động nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ, tiên tiến để xử lý hài hòa các quan hệ lao động. Đây cũng chính là một trong những điều kiện bảo đảm cạnh tranh công bằng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và là điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập.
Lý do bởi nhiều công ước của ILO quy định cơ chế hình thành giá cả của lao động hay điều kiện lao động phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở các nước khác với doanh nghiệp ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức này. Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó có 6 công ước cơ bản (trong tổng số 8 công ước cơ bản của ILO). Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam vừa qua đã biểu quyết thông qua Công ước 98 của ILO về quyền tổ chức và thương lượng tập thể với tỷ lệ 100% các đại biểu Quốc hội có mặt ủng hộ”.
Cùng với việc gia nhập các công ước, Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế được đề cập trong các công ước vào trong hệ thống luật pháp quốc gia. Ví dụ như sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đang được lấy ý kiến dư luận, trong đó có nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn Việt Nam. Theo đó, thiết kế về mặt tổ chức, hoạt động theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của một số nước liên quan đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Về phía Chính phủ, cũng nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện các công ước và khuyến nghị của ILO. Riêng năm 2019, Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện 9 công ước của ILO, trong đó có 3 công ước cơ bản là Công ước 138, 182 về lao động trẻ em; và Công ước 29 về lao động cưỡng bức.
Đánh giá tích cực từ quốc tế
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập lao động quốc tế nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Họ cho rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, thể hiện thiện chí và những nỗ lực có hiệu quả. Việc Việt Nam phê chuẩn ngày càng nhiều các công ước của ILO có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.
Phó tổng giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield đánh giá: “Tôi chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn một trong những công ước cơ bản của ILO, Công ước 98 về quyền Tổ chức và thương lượng tập thể, cùng với hai công ước kỹ thuật là công ước số 88 và 159. Việt Nam cũng đã có những sự phát triển đáng ghi nhận trong bản dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua Nghị quyết số 06 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Việc phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động cơ bản. Đây là những bước tiến thực sự, cho thấy Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về lao động đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.