(VOV5) - Nghị quyết số 23 là nghị quyết quan trọng trong việc định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới.
Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã tạo ra những bước tiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đây là nhận định chung của nhiều địa phương khi tổng kết 15 năm ban hành Nghị quyết số 23 (2008 - 2023).
Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn |
Nghị quyết số 23 là nghị quyết quan trọng trong việc định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới; thể hiện sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với lĩnh vực quan trọng của nền văn hóa nước nhà.
Khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật
Nghị quyết số 23 đã cho thấy sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt 15 năm qua, khi Đảng khẳng định: “văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Đảng xác định nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Phấn đấu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài.
Thực tiễn phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 15 năm qua đã theo dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân. Cũng trong 15 năm qua, việc đưa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị vào đời sống luôn linh hoạt, thích ứng với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự tác động của quá trình toàn cầu hóa; cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4...
Những con số thuyết phục từ cơ sở
Triển khai thưc hiện Nghị quyết số 23 trên toàn quốc đã giúp nâng cao nhận thức của Chính phủ, các địa phương trong việc đầu tư cho văn học nghệ thuật. Rất nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến văn học nghệ thuật được triển khai, tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong lĩnh vực này.
Tại tỉnh Hòa Bình, 15 năm qua, văn nghệ sĩ tỉnh đã sáng tác và quảng bá hơn 1.000 lượt tác phẩm, gồm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn; trên 800 tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật được trưng bày, triển lãm…Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng lớn mạnh. Đến nay, Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh có gần 230 hội viên. Toàn tỉnh có gần 1.500 đội văn nghệ quần chúng với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân. Tỉnh cũng đã nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, dân ca, dân vũ cùng nhiều phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ chính trị, văn nghệ sĩ tỉnh Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi về môi trường, không gian hoạt động. Hàng chục ngàn công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật được sáng tác, dàn dựng, xuất bản. Văn học nghệ thuật Đồng Nai được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu. Các Câu lạc bộ đờn ca tài tử, thơ, dân ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh…hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức sinh hoạt. Đặc biệt, để lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho con cháu, nhiều già làng, người uy tín đã tự đứng ra mở các lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho con em mình.
Ông Phùng Quang Hội, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN |
Tại Lạng Sơn, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật được đưa vào chương trình hành động, kế hoạch phát triển của nhiều ngành, đơn vị…Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật được tổ chức; phong trào nghệ thuật quần chúng được chính quyền coi trọng…
Ông Phùng Quang Hội, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn, cho biết: “Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nền văn học, nghệ thuật; là động lực to lớn để góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, công tác tuyên truyền Nghị quyết được triển khai với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với các đối tượng và từng địa bàn; qua đó đã tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sỹ sáng tạo, cống hiến, giúp lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có những bước phát triển mới”.
Những kết quả đạt được ở cấp cơ sở trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới là minh chứng cho tính hiệu quả của Nghị quyết. Đồng thời là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết trên phạm vi toàn quốc; tham mưu cho Đảng những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới.