Xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5)- “Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long”của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong các ngày từ 27-30/4 mới đây là sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng quan trọng toàn vùng. Trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 21 của Bộ chính trị về phát triển nhanh và bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long.



Xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại tỉnh Ðồng Tháp


Hoạt động nổi bật nhất trong khuôn khổ chương trình là Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đảng ủy khối các doanh nghiệp tổ chức hội nghị Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các tham tán thương mại, chuyên gia kinh tế nhiều nước trên thế giới và lãnh đạo các tỉnh thành, vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng 180 doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị.



Xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 2
Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp


Hội nghị đặt ra vấn đề cần phải liên kết vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực để phát triển. Thông qua mối liên kết này, các tỉnh, thành trong khu vực có những cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, du lịch, tài chính, phát triển hạ tầng…


Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, cho biết: “Để phát triển mạnh mẽ khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, tôi đề xuất về phía chính quyền địa phương nên nhanh chóng rà soát lại quy hoạch, nhất là quy hoạch từng địa phương và quy hoạch toàn vùng. Về giao thông thủy lợi, đẩy mạnh các dự án trọng điểm…Xây dựng phát triển thương hiệu, tăng cường thu hút đầu tư vào những ngành có thế mạnh trong vùng.”



Xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 3

Vùng biển Sóc Trăng có đủ điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu



Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nên Đảng, Chính phủ rất quan tâm và tạo điều kiện để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển hòa nhập cùng các địa phương khác trong cả nước.


Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, trong và ngoài nước đầu tư để phát triển vùng, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có nhiều lợi thế như lúa gạo, thủy sản, trái cây, công nghệ chế biến dầu khí và du lịch…


Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác qui hoạch của từng tỉnh, thành phố trong đó quan tâm đến qui hoạch hạ tầng giao thông, thủy lợi và sản xuất, chú trọng liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và với cả nước, hướng đến mô hinh phát triển có tính tập trung chuyên sâu và liên kết cao.



Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Tập trung phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mang tính quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thành phố và cả vùng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, y tế, văn hóa, giáo dục, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần nhân dân nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.


Trong khuôn khổ chương trình Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh, thành phố trong khu vực đã công bố 178 dự án mời gọi nhà đầu tư với tổng số vốn kêu gọi đầu tư trên 171 tỷ đồng và 1,5 tỷ đô la Mỹ.



Xúc tiến đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 4
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 178 dự án kêu gọi đầu tư



Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long còn thông báo các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Các địa phương cũng cấp phép cho 21 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 3.500 tỷ đồng hoạt động tại khu vực này. 


Đến nay, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phát triển nhanh và bền vững đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm này đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình bình quân toàn vùng đạt gần 12%/năm.


Toàn vùng đã hình thành các khu công nghiệp tập trung tầm cỡ quốc gia như trung tâm Khí- Điện- Đạm Cà Mau, trung tâm nhiệt điện Ô Môn, nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện sông Hậu, điện gió Bạc Liêu. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu vực này có bước đột phá quan trọng, đó là việc  hoàn thành các cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Đầm Cùng, các đường cao tốc Trung Lương- Thành phố Hồ Chí Minh, đường Nam sông Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp, sân bay Quốc tế Cần Thơ, sân bay Phú Quốc, dự án thủy lợi bắc Bến Tre, ngọt hóa bán đảo Cà Mau và nhiều dự án khác đang được triển khai. Những hoạt động xúc tiến đầu tư tại khu vực này những ngày gần đây sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long./.

Phản hồi

Các tin/bài khác