Một số điểm mới trong Dự thảo Luật y tế

(VOV5) - Nhóm Học viên quân đội nhân dân, học viên công an nhân dân người nước ngoài và học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài cũng sẽ thuộc nhóm đối tượng đóng BHYT.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với mục tiêu hoàn thiện quy định về BHYT theo định hướng, chính sách của Đảng, cũng như phù hợp với cơ sở thực tiễn và tương thích với pháp luật về BHYT của các quốc gia trên thế giới.

Theo dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc vào 21/10/2024). Các doanh nghiệp cũng như người lao động Việt Nam và NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên lưu ý tới Dự thảo Luật này.

Luật sư Mai Phương, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự trình bày một số nội dung nổi bật của Dự thảo Luật BHYT.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website: www.nhquang.com

 

Trước hết, Dự thảo Luật đã bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHYT thuộc trường hợp phí BHYT do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng.

- Nhóm thứ nhất là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

- Nhóm thứ hai là một số chức danh quản lý tại DN, HTX có hưởng tiền lương như: Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của PL.

- Nhóm thứ ba là một số chức danh quản lý tại DN, HTX không hưởng tiền lương như: Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp… và các chức danh tương tự như nhóm thứ hai.

- Nhóm thứ tư bao gồm NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với NSDLĐ tại Việt Nam, trừ các trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; trong đó tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;

- Nhóm thứ năm là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, NLĐ quy định tại nhóm 1 làm việc không trọn thời gian có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các nhóm đối tượng này được bổ sung để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (dự kiến có hiệu lực từ 01/07/2025). Ngoài ra, liên quan đến công dân nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định rằng nhóm Học viên quân đội nhân dân, học viên công an nhân dân người nước ngoài và học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài cũng sẽ thuộc nhóm đối tượng đóng BHYT theo diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ, bên cạnh các đối tượng học viên là người Việt Nam.

Thứ hai, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT để tương thích với các nhóm đối tượng được bổ sung đã nêu.

Theo Dự thảo luật:

· Mức đóng hằng tháng của đối tượng thuộc các nhóm thứ (i), (ii), (iv), (v) tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó NSDLĐ đóng 2/3 và NLĐ đóng 1/3.

· Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại nhóm (iii) tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do NLĐ đóng.

Dự thảo Luật cũng ghi nhận chi tiết rằng: trong thời gian các đối tượng quy định tại nhóm (i), (ii), (iv), (v) nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của NLĐ trước khi nghỉ thai sản/nghỉ ốm và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Cuối cùng, Dự thảo luật đã bổ sung quy định về chậm, trốn đóng BHYT

Để làm căn cứ xác định hành vi chậm, trốn đóng BHYT, Dự thảo Luật bổ sung quy định về thời hạn đóng BHYT chậm nhất đối với NSDLĐ:

· Đó chính là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; hoặc

· Là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.

Với quy định về thời hạn nói trên, Dự thảo Luật đã mô tả hành vi chậm, trốn đóng BHYT như sau:

Đầu tiên, chậm đóng BHYT là một trong các hành vi sau đây của NSDLĐ:

o Trường hợp thứ nhất là chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng BHYT kể từ sau ngày đóng BHYT chậm nhất trừ trường hợp trốn đóng BHYT theo quy định của PL;

o Trường hợp thứ hai là không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHYT trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn liên quan đến nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT tại Điều 17 Luật BHYT;

o Trường hợp thứ ba là các trường hợp khác không bị coi là trốn đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT.

Thứ hai, trừ các trường hợp có lý do chính đáng theo quy định của Chính phủ, trốn đóng BHYT là hành vi của NSDLĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT cho NLĐ:

o Trường hợp thứ nhất là sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định phải tham gia BHYT theo quy định Điều 17 Luật BHYT mà NSDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHYT;

o Trường hợp thứ hai là đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHYT thấp hơn quy định của pháp luật về BHYT;

o Trường hợp thứ ba là không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHYT hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHYT sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định tại Điều 17 Luật BHYT hoặc quy định tại điểm b khoản 9 Điều 2 Luật BHYT (Chậm đóng BHYT).

Cuối cùng, Dự thảo Luật cũng sửa đổi hình thức xử lý vi phạm để tương thích với quy định về chậm, trốn đóng BHYT. Cơ quan, tổ chức, NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHYT mà chậm đóng, trốn đóng sẽ “bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng” .

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác