Thông tư 06 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

(VOV5) - Thông tư này được ban hành nhằm nâng cao quản lý của nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp – một trong những lĩnh vực phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay.

Ngày 30/09/2024, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN (Thông tư 06) được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2015/TT-BKHCN (Thông tư 11) hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP (Nghị định 99) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Luật sư Quỳnh Nhung, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự sẽ giới thiệu một số điểm mới nổi bật của Thông tư này mà các tổ chức, cá nhân cần lưu ý: 

Nghe âm thanh tại đây:

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website:www.nhquang.com

Thứ nhất, sửa đổi việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền. Cụ thể, đối với hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu hoặc lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính (một hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp), người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể xem xét, áp dụng biện pháp tạm giữ tên miền khi nhận được các tài liệu hợp lệ của chủ thể kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền. Những tài liệu kiến nghị bao gồm:

(i) Đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính “tạm giữ tên miền” (bằng (i) văn bản riêng hoặc (ii) thể hiện trong đơn kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền);

(ii) Văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm (nếu có); và

(iii) Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung cách xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Theo Thông tư 06, số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm hành chính và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm và trừ đi chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ. Quy định này đã thay đổi so với quy định trước đây, khi Thông tư 11 không trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ nêu trên. Tuy nhiên, để được trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ theo quy định của Thông tư 06, tổ chức, cá nhân vi phạm phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó.

Bên cạnh đó, Thông tư 06 cũng bổ sung định nghĩa về số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá và vật, tài sản khác một cách cụ thể hơn. Theo đó, số lợi bất hợp pháp có được là giấy tờ có giá là toàn bộ giấy tờ có giá theo quy định của Bộ luật Dân sự và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định pháp luật liên quan mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính. Số lợi bất hợp pháp là vật, tài sản khác mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính cũng là vật, tài sản khác theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp trên mạng Internet. Theo quy định của Thông tư 06, hành vi bị xem xét xảy ra trên mạng Internet có các yếu tố sau: (i) xảy ra trên mạng Internet và (ii) được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Theo đó, các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi nêu trên đều bị coi là vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 99. Không những vậy, các chủ thể đăng ký tên miền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên miền mà biết hoặc có căn cứ để biết tổ chức, cá nhân đó sử dụng tên miền để thực hiện hành vi bị xem xét xảy ra trên mạng Internet cũng bị coi là thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính. Có thể thấy, quy định này đã mang tính ràng buộc và chặt chẽ hơn, khi trước đây, Thông tư 11 quy định chỉ các chủ sở hữu tên miền quốc gia thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi bị xem xét xảy ra trên mạng Internet mới bị coi là vi phạm pháp luật.

Bình luận chung và khuyến nghị:

Nhìn chung, so với Thông tư 11, Thông tư 06 đã quy định các vấn đề về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp một cách chặt chẽ và chi tiết hơn. Thông tư này được ban hành nhằm nâng cao quản lý của nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp – một trong những lĩnh vực phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, cũng như để đồng nhất với các văn bản pháp luật khác trong cùng lĩnh vực. Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, do đó, các cá nhân, tổ chức cần nghiên cứu và nắm rõ các quy định trong Thông tư này nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và có các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp cần thiết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác