Nghị định 58 về việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài

(VOV5) - Quy định của Nghị định 58 cũng có phần chặt chẽ và khắt khe hơn trong việc quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ.

Ngày 31/08/2022, Nghị định 58/2022/NĐ-CP (Nghị định 58) được Chính phủ ban hành về việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là tổ chức phi chính phủ) tại Việt Nam. Nghị định này thay thế cho Nghị định 12/2012/NĐ-CP (Nghị định 12) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.

Nghị định 58 về việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài  - ảnh 1

Nghe âm thanh tại đây:

 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website: www.nhquang.com

 

Một số điểm mới nổi bật của Nghị định 58:

Thứ nhất, lược bỏ loại hình Văn phòng dự án của tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Trước đây, Nghị định 12 đưa ra 03 hình thức đăng ký đối với tổ chức phi chính phủ khi hoạt động tại Việt Nam bao gồm: (i) Giấy đăng ký hoạt động, (ii) Giấy đăng ký lập Văn phòng dự án và (iii) Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện. Tuy nhiên, Nghị định 58 đã thực hiện bỏ hình thức Giấy đăng ký lập Văn phòng Dự án. Theo đó, tổ chức phi chính phủ chỉ có thể lựa chọn đăng ký theo một trong hai hình thức là Giấy đăng ký hoạt động hoặc Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện, tùy theo quy mô và nhu cầu của mình.

Tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hoạt động theo hình thức Văn phòng dự án theo Nghị định 12 trước đây vẫn có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy đăng ký theo Nghị định 12 cho đến khi hết hạn và sau đó được xem xét chuyển đổi sang một trong hai hình thức nêu trên.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy đăng ký. Đơn cử, Nghị định 58 đã rút ngắn thời hạn cấp Giấy đăng ký từ 45 ngày làm việc xuống còn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức phi chính phủ; thời hạn bổ sung, sửa đổi, cấp lại Giấy đăng ký được rút từ 30 ngày làm việc còn 25 ngày làm việc. Đồng thời thành phần hồ sơ cấp Giấy đăng ký bổ sung thêm một số tài liệu như Bản thống kê chi tiết các chương trình, dự án dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam trong 03 - 05 năm tới và Hồ sơ đề nghị chấp thuận Người đại diện/Trưởng Văn phòng, như quy định tại Điều 11 và Điều 15 của Nghị định.

Thứ ba, quy định rõ ràng các trường hợp đình chỉ và chấm dứt hoạt động của tổ chức phi chính phủ. Nghị định 12 chỉ đưa ra một điều khoản quy định chung về các trường hợp tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có Giấy đăng ký hoạt động bị đình chỉ một phần, đình chỉ toàn bộ hoạt động hoặc phải chấm dứt hoạt động và bị thu hồi Giấy đăng ký theo quyết định của Bộ Ngoại giao. Quy định này khiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn khi đưa ra quyết định áp dụng hình thức xử phạt nào phù hợp với hành vi vi phạm của tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, quy định này cũng gây khó hiểu cho các tổ chức phi chính phủ trong quá trình tìm hiểu các quy định pháp luật và xem xét các quyết định từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, Điều 18 và Điều 19 Nghị định 58 đã chia rõ các trường hợp bị đình chỉ hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, tổ chức phi chính phủ bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp: (i) Tiếp tục hoạt động khi Giấy đăng ký hết hạn; (ii) Không hoạt động đúng lĩnh vực, địa bàn được quy định tại Giấy đăng ký; (iii) Sử dụng hoặc thông báo thông tin về tài khoản giao dịch không đúng với tài khoản giao dịch đã đăng ký. 03 trường hợp tổ chức phi chính phủ bị buộc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy đăng ký bao gồm: (i) Thực hiện một trong các hành vi bị cấm quy định tại Điều 5 Nghị định 58; (ii) Không có hoạt động trong 12 tháng liên tục sau khi được cấp Giấy đăng ký; và (iii) Không khắc phục vi phạm được nêu tại quyết định đình chỉ hoạt động trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định này.

Việc ban hành Nghị định 58 với những quy định cụ thể nhằm cải thiện những điểm bất cập của Nghị định 12, cũng như để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, quy định của Nghị định 58 cũng có phần chặt chẽ và khắt khe hơn trong việc quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức cần cập nhật, nghiên cứu các điểm mới trong Nghị định này nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. 

Phản hồi

Các tin/bài khác