Xây dựng thương hiệu chè an toàn trên vùng chè Long Cốc

(VOV5) - Hiện tại, Hợp tác xã có hơn 10 loại sản phẩm chè an toàn từ các loại chè truyền thống đến chè giống mới chất lượng cao, được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh thành trong nước.

Long Cốc là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Với hàng trăm đồi chè lớn nhỏ hình bát úp, nơi đây được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn của vùng đất Tổ. Nhằm phát huy những lợi thế của vùng đất và cây chè quê hương, chị Phạm Thị Hạnh đã thành lập Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc, mang tới cho thị trường những sản phẩm chè sạch, chất lượng cao, qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu chè xanh Long Cốc trở thành sản phẩm đặc trưng địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc do chị Phạm Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, thành lập từ năm 2018. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ nhỏ chị Hạnh đã gắn bó với cây chè. Khi trưởng thành, người con gái dân tộc Mường luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế từ chính cây chè bản địa. Sau khi thành lập Hợp tác xã và đăng ký bản quyền thương hiệu Chè Long Cốc, chị Phạm Thị Hạnh đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất chế biến chè với công suất 3 – 4 tấn chè tươi/ngày.
Xây dựng thương hiệu chè an toàn trên vùng chè Long Cốc - ảnh 1Chị Phạm Thị Hạnh giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc - Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Chị Phạm Thị Hạnh cho biết xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công của sản phẩm: "Chúng tôi thấy rằng nếu không đi tham quan các tỉnh bạn, không xây dựng thương hiệu ngay trên quê hương mình thì sản phẩm chè sẽ mãi mãi bán không được giá, trong khi đó sản phẩm của mình rất an toàn. Lúc đó chúng tôi bán chè chỉ có mấy chục nghìn 1 kg, mặc dù đã sản xuất rất sạch nhưng để cho khách hàng tin tưởng thì mình phải làm gì? Từ đó chúng tôi nghĩ đến phải thành lập hợp tác xã. Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là đăng ký thương hiệu, đăng ký tên. Để khách hàng dễ nhớ, nên chọn tên địa danh Long Cốc. Sau khi đăng ký thương hiệu, chúng tôi phát triển sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng".

Hợp tác xã chè an toàn Long Cốc đã và đang liên kết với nhiều hộ trồng chè tại địa phương với diện tích 37ha. Các gia đình liên kết bán nguyên liệu cho tổ hợp tác đều phải cam kết thực hiện tiêu chuẩn sản xuất an toàn như: Không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không phun chất kích thích sinh trưởng… khi chăm sóc cây chè và chịu sự giám sát của tổ hợp tác. Đặc biệt, để có được sản phẩm chè sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến an toàn, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học đúng nguyên tắc, đảm bảo các quy trình kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

"Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi chọn phương pháp tiếp cận thị trường đó là tập trung vào chất lượng sản phẩm, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Chúng tôi liên kết nhiều hộ sản xuất chè trên địa bàn, mở nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất và chế biến chè. Từ nguồn nguyên liệu được chế biến ra đảm bảo số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng chè chế biến ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn, với phương châm sản xuất an toàn, chất lượng là hàng đầu" - chị Hạnh nói.

Xây dựng thương hiệu chè an toàn trên vùng chè Long Cốc - ảnh 2Du khách trải nghiệm sao chè truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại HTX chè Long Cốc - Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Hiện tại, Hợp tác xã có hơn 10 loại sản phẩm chè an toàn từ các loại chè truyền thống đến chè giống mới chất lượng cao, được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh thành trong nước và các hệ thống siêu thị lớn, như: Vinmart, Coopmart... Ông Hà Ngọc Chất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Chúng tôi rất đề cao chất lượng, do đó, ngay từ khâu nguyên liệu, chúng tôi đã có sự phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện kiểm tra, giám sát thường xuyên. Hiện, sản phẩm của Hợp tác xã được sản xuất rất tốt, đảm bảo chất lượng, được khách hàng đánh giá cao".

Với diện tích lên đến 677 ha, thiên nhiên đã ban tặng cho Long Cốc khí hậu ôn hòa. Cùng với sự chịu khó, bàn tay khéo léo của bà con nơi đây mà đồi chè Long Cốc không chỉ mang lại giá trị kinh tế sản xuất mà còn là tiềm năng phát triển du lịch địa phương. Nhằm tận dụng tối đa những ưu thế này, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc đã và đang triển khai một số hoạt động quảng bá mới, hấp dẫn dành cho du khách khi đến với Long Cốc.

Chị Phạm Thị Hạnh cho biết: "Xã Long Cốc đón được rất nhiều khách du lịch tham quan. Do đó, chúng tôi liên kết với các hộ chế biến, hộ sản xuất nguyên liệu đầu vào, họ sẽ dẫn khách du lịch trải nghiệm thực tế đến tự hái chè, tự sao… Chúng tôi có không gian riêng để khách thưởng thức chè".

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc đã đạt được những thành quả nhất định. Hiện, Hợp tác xã đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, gồm: chè đinh Bát Tiên, chè đinh Bát Tiên cao cấp, chè xanh Bát Tiên, chè Shan Tuyết. Hợp tác xã đặt mục tiêu năm 2025 tham gia chương trình OCOP để có sản phẩm chất lượng 5 sao, qua đó, tiếp tục mang tới cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng an toàn nhất.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác