Chính phủ mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp

(VOV5) -Sáng 17/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề: “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các thành viên Chính phủ, các định chế tài chính; các hiệp hội, hội nghề nghiệp và 2.000 đại biểu doanh nhân tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại không khí của Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cách đây một năm. Thủ tướng cho rằng Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh nhiều tồn tại và thách thức.

 Chính phủ mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp - ảnh 1Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu  

Thủ tướng cho rằng sau một năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, kể từ Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp lần thứ nhất, đây là dịp Chính phủ lắng nghe và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: “Hội nghị lần này này để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới để có sự bứt phá trong sự phát triển doanh nghiệp. Do đó Chính phủ mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp, những người hàng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh thú vị này. Tinh thần của hội nhị là thẳng thắn, chân thành và xây dựng”.

Tại hội nghị lần này, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp về tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn; về việc đầu tư xây dựng bệnh viện; về các giải pháp thu hút khách du lịch và phát triển du lịch; về các giải pháp phát triển thị trường bất động sản; về giải pháp hỗ trợ sản xuất và đầu ra cho ngành chăn nuôi; vấn vấn đề tiếp tục thực hiện các cam kết Hiệp định Thương mại Tự do TPP... Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH phân bón Việt Mỹ, cho biết: “Hôm nay tham dự Hội nghị Thủ tướng đồng hành với doanh nghiệp, thì đây là điều rất phấn khởi. Đây là động lực đối với các doanh nghiệp như chúng tôi để hoạt động và đặt lòng tin Chính phủ và Chính quyền địa phương. Chắc chắn sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo cụ thể và mong rằng giao trách nhiệm hệ thống quản lý hành chính thực thi các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ đề ra đối với doanh nghiệp”.  

Chiều 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành để xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để tín dụng đưa vào nền kinh tế thông qua những biện pháp rõ hơn nữa, được thể hiện trong chỉ thị này, tạo nguồn lực cho phát triển, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị dự thảo Chỉ thị sát với các vấn đề doanh nghiệp nêu ra, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành góp ý tháo gỡ các vướng mắc sát với thực tế doanh nghiệp đề xuất và Thủ tướng đã kết luận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có 14 nội dung cần bổ sung vào dự thảo Chỉ thị, như vấn đề hóa đơn điện tử, mạng dùng chung của các hộ cá thể, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bối cánh cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề khởi nghiệp, vấn đề tiếp cận đất đai, thế chấp đất đai vay vốn… Nhất là đất đai là vấn đề quan trọng để tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Về vấn đề chuyển đổi 5 triệu hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng nếu làm tốt thì đến năm 2020 có thể đạt 1,4 triệu doanh nghiệp. Do đó cần có biện pháp để chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp, trong đó có chính sách thuế. Đây là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng thu ngân sách.

Tin liên quan
Các tin/bài khác